Đề bài: Suy nghĩ của anh/chị về phát biểu của Peter Marshall (Nhà thuyết giáo người Mỹ gốc Scotland (1902 – 1949, từng là mục sư của nhà thờ Westminster Presbyterian ở Atlanta và hai lần giữ vị trí Giáo sỹ của Thượng nghị viện Mỹ): “Thước đo của cuộc đời không phải thời gian, mà là cống hiến”.
Bài làm
1. Dẫn dắt giới thiệu vấn đề, trích dẫn câu nói của Peter Marshall: Thước đo của cuộc đời không phải thời gian, mà là cống hiến.
2. Giải thích
– Thức đo: được hiểu là chuẩn mực để xác định giá trị.
– Thời gian: trong câu nói được hiểu là tuổi đời con người dài hay ngắn.
– Cống hiến: có thể hiểu là hành động tự nguyện, tự giác đem sức lực, tài năng, trí tuệ của mình đóng góp cho lợi ích chung.
=> Câu nói của Peter Marshall khẳng định giá trị đáng quý của con người không phải ở chiều dài thời gian họ sống mà là ở những thành quả họ cống hiến cho đời.
3. Phân tích, bàn luận
– Tại sao thước đo của cuộc đời không phải thời gian?
+ Thời gian sống của con người- tuổi thọ, tuy đáng quý xong nó cũng rất ngắn ngủi, nó còn ngắn ngủi hơn khi con người ta sống mà chỉ như tồn tại, không đem lại được ý nghĩa gì cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng. Vậy nên nếu tính giá trị của con người về mặt thời gian thì giá trị đó có thể sẽ chỉ có ý nghĩa hạn chế với cá nhân.
+ Nếu chỉ sống vu vơ, sống nhờ, sống gửi vào người khác thì đó là sự tồn tại vô nghĩa lý, dù thời gian sống nhiều cũng thành hoài phí, không có giá trị gì. Thực tế cho thấy có những người sống rất lâu nhưng vẫn không được mọi người nhớ đến. Câu nói như một lời nhắn nhủ giá trị của đời người không phụ thuộc vào thời gian sống mà phụ thuộc vào chất lượng cuộc sống, cách sống.
– Tại sao thước đo của cuộc đời là cống hiến?
+ Cống hiến chính là hành động trả ơn với cuộc đời. Bởi khi ta sinh ra đã nhận được rất nhiều từ cuộc đời, phải biết cho, biết cống hiến để xứng đáng với những gì được nhận. Sống cống hiến cũng là cách để ta đánh thức những tiềm năng, năng lực bên trong bản thân, giúp ta sống tận tâm hơn, tự tin, năng động hạnh phúc hơn và từ đó đời sống giá trị hơn. Con người sống mà không có mục đích, lý tưởng, không biết cống hiến thì thời gian cũng chỉ là đơn vị vật lý tầm thường.
+ Cống hiến mang lại nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống. Cống hiến là động lực cho sự phát triển và là yếu tố tất yếu làm nên thành công. Sự cống hiến của con người có thể là lớn lao, vĩ đại, cũng có thể bắt đầu từ những điều bình dị, nhỏ bé nhưng hữu ích, ý nghĩa hàng ngày.
+ Thước đo của cuộc sống chính là cống hiến. Sống cống hiến, sống hết mình tức là chúng ta đang vì xã hội và vì chính bản thân mình mà mang lại giá trị đáng trân quý cho cuộc đời.
+ Thực tế, đã có biết bao sự cống hiến, hi sinh thầm lặng, cao cả; những con người sống tận tụy, sống hết mình, dám nghĩ, dám làm, góp phần điểm tô cho một xã hội trở nên văn minh, tốt đẹp. (Lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu).
4. Đánh giá chung
– Nhận định của Peter Marshall đã đem đến bài học nhân sinh qúy giá, cổ vũ con người trân quý thời gian của cuộc đời mình, để mà tạo ra những giá trị sống tốt đẹp cho mình, cho cộng đồng.
– Lật lại vấn đề: Trong xã hội, đáng buồn đáng trách là vẫn tồn tại những người với tư tưởng sống hẹp hòi, ích kỷ, vụ lợi, thờ ơ, thiếu trách nhiệm với tập thể, xao nhãng, quên đi trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp chung của dân tộc chỉ mưu cầu lợi ích, hưởng thụ cho cá nhân…Đó là những hiện tượng lệch lạc cần chấn chỉnh, bài trừ.
5. Bài học nhận thức, hành động
Mỗi người cần phải luôn nỗ lực vươn lên, cần xác định được vị trí, khả năng đóng góp của mình cho tập thể, cho cộng đồng để sống đẹp hơn, sống tốt hơn, yêu đời hơn, trân trọng ý nghĩa cuộc sống mỗi ngày.