Đề bài: “Thói a dua có thể khiến con người đánh mất mình một cách nhanh chóng và ngọt ngào nhất”. Anh/Chị có đồng tình với ý kiến trên không?
Bài làm
1. Giải thích
– A dua là một căn bệnh hùa theo người khác một cách thiếu suy nghĩ hoặc để lấy lòng một ai đó.
– Đánh mất mình: không còn là chính mình.
=> Ý kiến bàn về sự nguy hại của thói a dua trong cuộc sống của con người.
2. Biểu hiện
– A dua, đua đòi để giống hoặc bằng người khác về ngoại hình, cách sống.
– Phát ngôn và hành động theo đám đông, cuốn theo đám đông một cách vô thức.
3. Nguyên nhân
– Khách quan:
+ Mỗi con người là một phần của xã hội nên khó tránh tâm lí bầy đàn, không thể sống thiếu đám đông, xã hội. Đám đông là một chỗ dựa nên con người đôi khi tin đám đông hơn tin bản thân mình.
+ Những cá nhân thành đạt có tầm ảnh hưởng lớn đến người khác. Bản thân sự thành công và nổi tiếng của họ dễ tạo niềm tin cho người khác, khiến người ta ít suy xét nên thường nói và làm theo một cách dễ dãi.
– Chủ quan:
+ Người có thói a dua là người không có lòng tự trọng, bởi nghĩ và làm theo người khác là thiếu tôn trong bản thân mình.
+ Do con người đánh mất niềm tin vào sức mạnh, năng lực, lí trí, tri thức… nên dần dần thay thế vào đó là chỗ dựa của sức mạnh mạnh đám đông, họ quên mất rằng mình cần có chủ kiến trong mọi chuyện. Phải thấy, sống và bị cuốn đi là khác nhau. Sống là khi được là chính mình. Cuốn đi là làm theo người khác, phong trào thường cuốn người ta đi dẫn đến việc đánh mất bản ngã con người.
4. Hậu quả
– Đúng là Thói a dua có thể khiến con người đánh mất mình một cách nhanh chóng và ngọt ngào nhất. Con người sống với thói a dua sẽ rơi vào tình trạng đánh mất mình từng ngày mà vẫn yên trí, vẫn đặt cược niềm tin mùa quáng vào đám đông cho đến một ngày họ không còn là chính mình. Bởi vậy, nghĩ và làm theo kẻ khác là đánh mất nhân cách của mình, trở thành công cụ, thành cái bong, bản sao của người khác, không bao giờ là bản chính của chính mình.
– Thói a dua khiến cộng đồng dễ bị kích động thì tất yếu dẫn tới việc xã hội rất dễ bị tổn thương, nhiễu loạn. Gây ra tổn thương cho người khác dễ dàng thì cũng đồng thời tạo ra bất ổn cho chính mình. Nếu căn bệnh a dua ngày một phát triển, sẽ đến lúc mọi người đều lười biếng trong việc nhìn nhận suy xét mọi vấn đề.
5. Giải pháp
– Mỗi người cần đề cao sức mạnh cá nhân, sống có lòng tự trọng, có cái tôi.
– Một xã hội nhân danh văn minh thì rất cần những ứng xử và suy xét văn minh. Sống trong đời, mỗi người cần suy xét đến tính đúng sai và nhìn nhận cho ngọn ngành, nhân văn mọi chuyện.
6. Bài học nhận thức và hành động
– A dua là một thói xấu cần tránh. Con người chỉ thực sự là mình khi có lòng tự trọng, tự tôn.
– Cần nhận thấy thói a dua hoàn toàn khác với thái độ chủ động học hỏi, tiếp thu trí tuệ, tinh hoa của người khác để làm giàu cho mình.
– Nên sống bằng cái đầu của mình, dùng trải nghiệm của bản thân để suy xét các vấn đề trong cuộc sống, từ đó hình thành chính kiến và chủ kiến của bản thân.