Top 20 Dẫn chứng về lòng Hiếu Thảo tiêu biểu nhất định đưa vào bài NLXH

Dẫn chứng về lòng hiếu thảo – Thúy Kiều

Thúy Kiều là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời nhiều bất hạnh. Trong một lần du xuân, Kiều vô tình gặp gỡ Kim Trọng và có một mối tình đẹp đẽ bên chàng Kim. Hai người chủ động gặp gỡ và đính ước với nhau. Tuy nhiên, gia đình Kiều gặp biến cố. Cha bị bắt, Kiều quyết định bán mình để chuộc cha.

Thúy Kiều là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời nhiều bất hạnh. Trong một lần du xuân, Kiều vô tình gặp gỡ Kim Trọng và có một mối tình đẹp đẽ bên chàng Kim. Hai người chủ động gặp gỡ và đính ước với nhau. Tuy nhiên, gia đình Kiều gặp biến cố. Cha bị bắt, Kiều quyết định bán mình để chuộc cha.

Dẫn chứng về lòng hiếu thảo – Chử Đồng Tử

Câu chuyện về chàng Chử Đồng Tử nhà nghèo, sống cùng cha mà hai cha con chỉ có một chiếc khố chia nhau dùng chung. Đến khi cha mất, trước khi đi ông có nói với Chử Đồng Tử rằng: “Cha chết đi, con giữ lại cái khố mà che thân, cho thiên hạ khỏi chê cười. Con cứ tang trần cho cha là được.” Ấy vậy nhưng chàng không nỡ tang trần cho cha nên đã dùng chiếc khố duy nhất để an táng cha yên nghỉ, còn mình thì ở trần, tiếp tục cuộc sống hàng ngày trước đây.

Dẫn chứng về lòng hiếu thảo – Trịnh Thị Lan

Cô bé Trịnh Thị Lan ở thôn Toán Thọ, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa dù còn nhỏ nhưng đã bươn chải chăm sóc mẹ và bà ngoại của mình. Em sinh ra đã không biết mặt cha, còn mẹ em bị bệnh tâm thần. Khi học Tiểu học, tan học là em lại vội chạy về làm việc nhà, chăm sóc mẹ. Hai mẹ con sống cùng với bà ngoại. Mười tuổi tuổi, em đã bắt đầu làm công việc đồng áng, hết cấy gặt giúp người ta để kiếm gạo ăn đến lượm ve chai khắp nơi để kiếm tiền mua thuốc chăm sóc cho bà ngoại gần chín mươi tuổi và mẹ mình. Em chăm sóc mẹ cẩn thận từng li từng tí. Có những lúc mẹ phát bệnh đi lang thang, em vội vàng đi tìm mà nước mắt lưng tròng. Cho đến giờ, mười ba tuổi, Lan trở thành lao động chính trong gia đình. Vất vả cực nhọc là thế ấy nhưng em chưa bao giờ có ý định từ bỏ việc học của mình cả, vẫn luôn rất cố gắng trong học tập và trong cả cuộc sống.

Dẫn chứng về lòng hiếu thảo – Tô Thị Bích Ngọc

Những ngày tháng 10 năm 2015, người ta khó có thể nào quên được hình ảnh một cô bé mới chỉ có chín tuổi ngược xuôi nơi hành lang bệnh viện Bạch Mai để lấy cơm, chăm sóc cho người cha của mình. Cô bé ấy tên là Tô Thị Bích Ngọc, đang học lớp 4, ở Ý Yên, Nam Định. Nhà có hai anh em, mẹ lại bị tâm thần, người anh đang học lớp 8 phải làm thêm ở chợ để lấy tiền đong gạo hàng ngày cho cả nhà. Còn em thì xin nghỉ học theo lên Hà Nội chăm sóc cha mình bị xơ gan, sỏi niệu quản. Mọi việc ông đều cần đến sự giúp đỡ của con gái mình. Ấy vậy nhưng lúc có thời gian, em lại mang sách ra hành lang ngồi đọc, em luôn hi vọng cha sớm khỏe mạnh, khát khao được quay trở lại trường học, tiếp tục ước mơ của mình.

Dẫn chứng về lòng hiếu thảo – Khổng Tử

Khổng Từ dạy rằng: “Ở nhà phải hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài tôn kính người hơn tuổi, cẩn thận giữ điều tín, gần gũi thân cận với người nhân đức, được như vậy mà còn dư sức thì học tập tri thức nữa.”

Dẫn chứng về lòng hiếu thảo – Nguyễn Gia Huy

Câu chuyện về cậu bé ba tuổi Nguyễn Gia Huy kiến người đọc phải suy ngẫm và cảm thương. Bố mẹ ly hôn từ nhỏ, nhưng cậu vẫn được lớn lên trong tình yêu thương vô bờ của mẹ. Nhưng trong một buổi chiều năm cậu ba tuổi định mệnh đã khiến cuộc sống cậu đổi thay. Trong một lần đi đón cậu đi học về ở trưởng, mẹ em đã bị va quẹt vào một chiếc xa tải, ngã xuống và không may bị xe dằn qua, từ đó bà phải sống một cuộc đời tàn phế. Tai nạn đến quá bất ngờ, khiến một cậu bé ba tuổi – một độ tuổi vô tư, hồn nhiên nhất, phải được sống trong tình yêu thương, che chở của cha mẹ, nhưng lại phải là lao động chính, là chỗ dựa duy nhất cho người mẹ của mình. Tuy tuổi còn nhỏ, nhưng cậu đã thành thục những công việc chăm sóc mẹ như: đút cơm cho mẹ, đấm bóp, xoa nắn chân tay cho mẹ,… Câu nói của cậu bé đã khiến nhiều người phải rơm rớm nước mắt, thương cho cuộc đời đáng thương của cậu bé: “Mẹ cháu không chết đâu, sau này con sẽ chăm ngoan, học thật giỏi, kiếm thật nhiều tiền để chắp lại tay cho mẹ. Mẹ không được chết, mẹ phải sống với con”. Có thể thấy, dù không còn được lớn lên trong sự chở che của mẹ nữa, nhưng cậu vẫn luôn yêu thương, trân quý mẹ, mong muốn học giỏi để có thể cứu chữa tay mẹ.

Dẫn chứng về lòng hiếu thảo – Vua Thuấn

Vua Thuấn – một trong Ngũ Đế thời thượng cổ, khi còn nhỏ có cha vừa mù vừa điếc lại vô cùng nóng nảy; còn mẹ ông thì qua đời từ sớm. Cha Thuấn lấy vợ, sinh ra được một em trai tên là Tượng. Mẹ kế lại vô cùng nhỏ nhen ích kỷ, thường xuyên nói xấu Thuấn với cha nên Thuấn rất hay bị đánh. Thuấn bị mẹ kế hãm hại hết lần này đến lần khác vì sợ Thuấn kế thừa một nửa gia nghiệp.

Bởi vậy, tuổi thơ Thuấn lớn lên trong sự mắng chửi của cha, trong sự hãm hại của mẹ kế và em trai mình, ấy vậy nhưng lại không có một lời oán trách họ. Thậm chí trong suốt những năm tháng còn nhỏ, ông luôn hiếu thuận với cha và mẹ kế, nhường nhịn em trai. Đến năm ông 20 tuổi, danh tiếng của ông vang xa khắp nơi bởi sự hiếu thuận ấy. Vì vậy ông đã được quan địa phương tiến cử với vua Nghiêu và được vua gả con gái cho.

Chính sự hiếu thảo ấy của Thuấn đã khiến cho mẹ kế và em trai vô cùng cảm động, từ đó gia đình trở nên hòa hợp vui vẻ. Sau này, Thuấn được vua Nghiêu truyền ngôi, trở thành một vị Thánh đế nổi tiếng lịch sử, xây dựng nên một thời thịnh trị và thái bình cho dân chúng là thời Nghiêu – Thuấn.

Dẫn chứng về lòng hiếu thảo – Kho tàng ca dao

Việt Nam ta có rất nhiều những câu nói về lòng hiếu thảo với cha mẹ

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con”

“Công cha nghĩa mẹ cao dày

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ

Nuôi con khó nhọc đến giờ

Trưởng thành con phải biết thờ song thân”

“Dạy con, con nhớ lấy lời

Trọng cha, kính mẹ, suốt đời chớ quên”

Dẫn chứng về lòng hiếu thảo –  “Gia huấn ca” của Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi đã từng viết trong tác phẩm “Gia huấn ca” của mình đề cao đạo đức, luân lí trong mối quan hệ giữa bản thân với gia đình, xã hội rằng:

“Dù nội ngoại bên nào cũng vậy,

Đừng tranh giành bên ấy, bên này,

Cù lao đội đức cao dày,

Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.”

Ông đã đề cao đạo Hiếu lên đầu. Ngoài ra tác phẩm còn viết phận làm con đối với cha mẹ mình.

“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc

Xem cháo cơm thay thế mọi bề

Ra vào thăm hỏi từng khi

Người đà vô sự ta thì an tâm”

Dẫn chứng về lòng hiếu thảo – Nguyễn Trãi 

Nguyễn Trãi là tấm gương trung hiếu vẹn toàn trong lịch sử nước ta. Khi cha là Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt, Nguyễn Trãi đi theo cha đến ải Nam Quan. Nguyễn Phi Khanh khuyên con trở về, mưu nghiệp lớn chống Minh. Nghe lời cha dặn, Nguyễn Trãi nếm mật nằm gai, bày mưu tính kế, góp phần quan trọng giúp nghĩa quân Lam Sơn giành thắng lợi. Câu chuyện của ông dạy người trẻ rằng, nỗ lực thành công cũng là cách đền đáp cha mẹ.

Dẫn chứng về lòng hiếu thảo – vua Anh Tông 

Thời Trần, vua Anh Tông vốn ham rượu. Một lần, vì say rượu, vua lỡ buổi chầu, bị thái thượng hoàng Trần Nhân Tông trách phạt. Vua quỳ gối, dâng biểu tạ tội mới được tha lỗi. Từ đó, Trần Anh Tông không uống rượu nữa. Dù ở ngôi cao, nhà vua vẫn tôn trọng đạo hiếu, cẩn tuân lời dạy bảo của cha. Con người, dù thành công đến đâu hay có chức vị cao đến mấy, họ vẫn là một người con, cần không quên gốc gác, cũng như công lao sinh thành của cha mẹ.

Dẫn chứng về lòng hiếu thảo – Hoàng Hương

Ở Trung Quốc, thời Hậu Hán, cậu bé 9 tuổi Hoàng Hương mồ côi mẹ, một mực hiếu thuận với cha. Trời hè nóng nực, cậu quạt chăn màn trước rồi mới mời cha đi ngủ. Trời đông giá rét, Hoàng Hương nằm ủ chăn ấm lên để cha không bị lạnh. Thời nay, dù công nghệ mang lại cuộc sống thoải mái hơn, câu chuyện “quạt nồng ấp lạnh” vẫn là tấm gương để bạn trẻ noi theo.

Dẫn chứng về lòng hiếu thảo – Tào Nga

Tào Nga là người đời Hán. Năm nàng 14 tuổi, cha say rượu, rơi xuống sông. Tào Nga thương cha, chạy dọc bờ sông suốt 7 ngày, không thấy cha, nàng nhảy sông tự tử. 5 ngày sau, người ta thấy xác nàng đội xác cha nổi lên. Tào Nga trở thành tấm gương về lòng hiếu thảo, được người đời ca ngợi.

Dẫn chứng về lòng hiếu thảo – Hoa Mộc Lan

Thời Bắc Ngụy ở Trung Quốc, Hoa Mộc Lan mồ côi mẹ, sống với cha. Khi giặc xâm phạm biên giới, cha nàng bị điều đi lính. Không muốn cha phải chịu khổ, Mộc Lan âm thầm thay cha tòng quân. Sau này, nàng trở thành danh tướng. Câu chuyện này có lẽ sẽ khiến người trẻ ý thức hơn về việc san sẻ gánh nặng cho cha mình.

Dẫn chứng về lòng hiếu thảo – Tự Đức

Tự Đức có lẽ là ông vua duy nhất bị mẹ đánh đòn trong lịch sử. Năm đó, vua đi săn, chẳng may gặp lụt bất ngờ, không kịp về lo liệu ngày kỵ của tiên hoàng Thiệu Trị. Nhà vua hiếu thuận vội vàng đội mưa đến quỳ tạ tội với mẹ là thái hậu Từ Dũ. Ông còn chủ động dâng roi mây, nằm xuống chịu đòn. Hành động của ông nhắc nhở người đời rằng, phận con luôn phải đặt chữ hiếu làm đầu.

Dẫn chứng về lòng hiếu thảo – Vũ Nương

Có lẽ chúng ta đều biết đến nàng Vũ Nương nhân vật trong câu chuyện Người con gái Nam Xương, nàng được biết đến là một người vợ chung thủy, hết mực đợi chồng. Nhưng bên cạnh đó, nàng còn là một nàng dâu, một người con hiếu thảo. Khi mẹ chồng đau ốm vì mong nhớ con trai, thì nàng vô cùng thấu hiểu, cảm thông nỗi nhớ ấy, “hết sức thuốc thang, lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào, khôn khéo khuyên lơn”, chăm sóc cho cả sức khỏe tinh thần và thể chất của bà được tốt hơn.
Khi mẹ chồng qua đời, Vũ Nương đã một thân một mình lo liệu ma chay của bà, tế lễ chu đáo như mẹ đẻ của mình. Nàng hết mình, hết lòng, làm mọi việc đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, từ lòng hiếu thảo của một người con dâu.

Người mẹ chồng cũng vì cảm động trước tình cảnh và tình cảm ấy của con dâu, trước khi qua đời đã chứng giám cho tấm lòng đáng trọng ấy: “Sau này trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”.

Dẫn chứng về lòng hiếu thảo – Đặng Thị Thúy Hảo 

Đặng Thị Thúy Hảo được biết đến là một người con hiếu thảo. Bố đẻ của chị bị tai nạn, mất khả năng lao động từ 25 năm trước, còn mẹ chồng cao tuổi mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 3. Chồng làm nghề tự do, hoàn cảnh gia đình neo người. Là giáo viên mầm non, dù công việc hằng ngày bận rộn nhưng chị vẫn dành thời gian chăm sóc cha mẹ hai bên, cùng hai con nhỏ. Hằng tháng, chị chở mẹ chồng ra bệnh viện để lấy thuốc điều trị bệnh.

Dẫn chứng về lòng hiếu thảo –  Nguyễn Thúy Hường

Em Nguyễn Thúy Hường, học sinh lớp 12A3 Trường Trung học phổ thông Liên Hà (huyện Đông Anh) cũng là tấm gương hiếu thảo với bố mẹ và bà nội. Gia đình thuộc hộ cận nghèo, khi Hường học lớp 6, bố em bị tai biến, suy thận và không còn khả năng lao động. Bà nội cũng đau ốm thường xuyên, một mình mẹ em phải bươn chải gánh vác lo cho cả gia đình. Hường vừa đi học, vừa phụ mẹ, chăm sóc bà nội, bố và 3 em nhỏ chu đáo. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng em luôn nỗ lực vươn lên trong học tập, 12 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi và vừa trở thành sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội.

Dẫn chứng về lòng hiếu thảo – Phạm Thanh Bình

Anh Phạm Thanh Bình (Công ty TNHH một thành viên Kinh Đô). Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoài làm tốt công việc ở công ty, anh còn chạy xe công nghệ để phụ giúp kinh tế gia đình và trực tiếp chăm sóc bố bị tai biến. Anh còn là đoàn viên xuất sắc, được các cấp, ngành khen thưởng.

Dẫn chứng về lòng hiếu thảo –  Đỗ Thị Hồng Nhung

Đỗ Thị Hồng Nhung, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bố của Nhung từng là bộ đội, trong quá trình tham gia kháng chiến, bị nhiễm chất độc màu da cam, phát bệnh nặng và mất vào năm 2019. Mẹ em phải làm nhiều công việc từ đồng áng, dọn nhà, rửa bát thuê… để lo cho cuộc sống gia đình. Để có thêm chi phí trang trải cuộc sống, Nhung tranh thủ đi làm thêm nhưng cũng chỉ đi làm khu vực gần trường học vì không có phương tiện đi lại. Cứ cuối tuần, Nhung tranh thủ về nhà làm thêm cùng mẹ, hỗ trợ các công việc khác và trở lại trường học tập vào mỗi sáng thứ 2 hàng tuần. Dù vậy, Đỗ Thị Hồng Nhung vẫn luôn đạt được thành tích học tập tốt và tích cực tham gia nhiều hoạt động phong trào Đoàn, Hội ở trường.

Xem thêm: 

>>> NLXH trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ ?

>>> NLXH vấn đề cần giải quyết: Là học sinh, em nghĩ làm thế nào để trở thành một người con hiếu thảo và có trách nhiệm với gia đình?

Bạn sẽ chọn Dẫn chứng về lòng Hiếu Thảo nào đưa vào bài viết
5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *