Nghị luận Chúng ta không xấu hổ vì không biết hết mọi thứ

Đề bài: Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vấn đề: “Chúng ta không xấu hổ vì không biết hết mọi thứ, nhưng thật xấu hổ và tai hại vì vờ biết cái mà ta không biết”.

Bài làm

Nhà văn Isaac Bashevis Singer đã từng nói rằng: “Hiểu biết của chúng ta như một hòn đảo nhỏ giữa đại dương mênh mông những điều chưa biết đến.”. Kiến thức của mỗi con người luôn bị giới hạn bởi nhiều yếu tố khác nhau, tri thức là đại dương mênh mông vô tận mà con người không bao giờ khám phá hết, và thời gian hữu hạn của đời người không đủ cho chúng ta lĩnh hội hết những tri thức của loài người. Chúng ta không ngừng học tập để có thêm kiến thức nhưng sự thật là ta sẽ không thể trở thành một cuốn bách khoa toàn thư.

Chúng ta không nên buồn bã vì bản thân không thể một kẻ biết tuốt nhưng sẽ thật tệ nếu chúng ta vờ biết cái mà ta không biết, giống như trong tục ngữ Nga có câu: “Chúng ta không xấu hổ vì không biết hết mọi thứ, nhưng thật xấu hổ và tai hại vì vờ biết cái mà ta không biết”.

[Giải thích vấn đề nghị luận] “Xấu hổ” là khi chúng ta tự cảm thấy bản thân mình xấu xa, không xứng đáng vì cho rằng mình có lỗi hay kém cỏi trước người khác. “Mọi thứ” là một từ khá trừu tượng, không ai biết “mọi thứ” là bao nhiêu, không có giấy mực nào có thể đủ để ta viết hết “mọi thứ”. Chúng ta không cần buồn bã vì bản thân còn nhiều điều không biết, những điều không biết ấy chúng ta có thể học để từ không biết trở thành biết. Điều đáng trách không phải ở chỗ chúng ta không biết hết mọi thứ mà là khi chúng ta giả vờ biết những cái mà bản thân mình không biết. Đó là một sự lừa dối, không chỉ lừa dối người xung quanh mà còn lừa dối chính bản thân mình. Và sự dối trá sẽ không mang lại kết cục tốt đẹp. Tục ngữ luôn là những lời dạy, những bài học bổ ích cho con người, câu tục ngữ trên cũng là một bài học cuộc sống cho mỗi chúng ta. Câu nói ấy không chỉ là lời động viên con người không nên tự ti về bản thân chỉ vì không biết hết mọi thứ trên đời mà còn là lời khuyên chúng ta nên sống trung thực với mọi người, đặc biệt là với bản thân mình để không phải cảm thấy xấu hổ hay gây ra nhưng tai hại chỉ vì thói quen “giấu dốt” của mình.

[Lí giải vì sao không nên xấu hổ vì không biết hết mọi thứ và tác hại của việc vờ biết cái mình không biết] Có người đã nói rằng: “Tôi là chính bản thân tôi. Tôi thích điều tôi thích. Tôi yêu điều tôi yêu. Tôi làm điều mình muốn làm. Đây là cuộc đời tôi, không phải của ai khác”. Cuộc sống của mỗi chúng ta sẽ do chúng ta tự mình quyết định. Chúng ta có thể chọn biết một thứ, hai thứ hay nhiều thứ trong “mọi thứ” kia, không ai bắt chúng ta phải biết hết “mọi thứ”. Mỗi người đều có một ước mơ, một nghề nghiệp của riêng mình. Có người là thầy thuốc cứu người, có người là những người thầy lái những chuyến đò chữ nghĩa hay là những người lính bảo vệ quê hương, đất nước,… Mỗi người đều có một sứ mệnh trong cuộc sống rộng lớn này, và đôi khi chúng ta chỉ cần hiểu biết sâu sắc những kiến thức, kỹ năng quan trọng, cần thiết cho nghề nghiệp của bản thân. Một bác sĩ phẫu thuật không nhất thiết phải biết những kỹ năng của một đầu bếp, một họa sĩ cũng cần phải đi học thanh nhạc để biết hát và hát hay. Chúng ta không cần phải biết hết mọi tri thức của nhân loại. Và điều quan trọng hơn là chúng ta không có đủ quỹ thời gian để có thể tìm hiểu hết tất cả kiến thức ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Vì vậy “chúng ta không xấu hổ vì không biết hết mọi thứ” là một điều đúng đắn. Thế nhưng khi chúng ta che giấu những điều mình không biết bằng sự hiểu biết giả tạo thì khi đó mỗi chúng ta nên cảm thấy hổ thẹn với chính mình. Vờ biết cái mà mình không biết là một điều nguy hiểm và tai hại. Sự dối trá đó không làm chúng ta tốt đẹp lên mà con mang lại cho chúng ta những điều tiêu cực. Chúng ta sẽ cảm thấy lo lắng, bồn chồn vì những kiến thức mông lung, mơ hồ ấy. Chúng ta lo sợ một ngày nào đó sự dối trá ấy sẽ bị lộ tẩy và khi sự thật bị phơi bày, ta sẽ bị khiển trách, chê cười, bị mất đi sự tin tưởng, tín nhiệm của người khác dành cho mình. Nhưng sau tất cả, người tổn thương nhất khi “cái không biết” mà mình dày công che giấu bị lộ là chính chúng ta.

Nghị luận Chúng ta không xấu hổ vì không biết hết mọi thứ

[Dẫn chứng về hậu quả của việc vờ biết cái mình không biết] Vì lo sợ người khác chê bai mình bởi những điều mình chưa biết mà nói dối là điều không nên. Sự lừa dối ấy có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Sẽ ra sao nếu một bác sĩ thực tập có điều không biết nhưng vì ngại, vì sợ mà im lặng, không hỏi những bác sĩ có kinh nghiệm mà tự làm theo ý mình? Hậu quả thật khó lường. Hay một thực tập sinh làm việc tại một công ty nào đó, có những thứ không biết, chưa hiểu rõ nhưng lại không hỏi người hướng dẫn, kết quả cứ loay hoay ở chỗ mình chưa biết ấy khiến tiến độ công việc bị chậm, hay nghiêm trọng hơn là tự làm theo ý mình dẫn đến sai sót, ảnh hưởng toàn công ty. Quả thật có rất nhiều trường hợp như vậy xảy ra trong cuộc sống, điều đó đôi khi để lại những hậu quả rất đáng buồn.

[Mở rộng vấn đề] Mỗi người đều có quyền tự quyết, chúng ta được tự do chọn những kiến thức mình muốn biết, chúng ta không cần biết hết mọi thứ trên đời. Dĩ nhiên rất đáng khen ngợi nếu chúng ta tìm hiểu thêm nhiều kiến thức ngoài lĩnh vực, nghề nghiệp của mình bởi tri thức là sức mạnh, tri thức cũng là niềm vui. Biết một môn nghệ thuật có thể giúp chúng ta giảm căng thẳng sau những giờ làm việc căng thẳng, biết thêm một kỹ năng nào đó cũng không khiến ta tệ đi. Hãy cứ học và tìm hiểu mọi thứ. Và chúng ta là chính chúng ta, hãy biết yêu thương bản thân, đừng tự trách, tự ti vì những điều ta không biết và dũng cảm thừa nhận, đối mặt với những thiếu sót, khiếm khuyết của bản thân để kịp thời sửa chữa và hoàn thiện để ta ngày càng hoàn hảo hơn. Học cách bình thường hóa việc mình không biết tất cả mọi thứ và cởi mở để đón nhận những kiến thức mới, góc nhìn mới. Đừng ngần ngại hỏi người khác điều ta không biết, bởi họ nhất định sẽ sẵn lòng giải đáp những thắc mắc có nghĩa của chúng ta.

Vì “chuyến phiêu lưu của cuộc đời là học hỏi” nên chúng ta đừng dừng lại việc học, như V. Lenin đã nói: “Học, học nữa, học mãi”. Hãy thả mình trong dòng tri thức mênh mông, rộng lớn. Càng có nhiều kiến thức, càng hiểu và sử dụng được những kiến thức quý giá ấy bản thân chúng ta sẽ càng trở nên tốt đẹp và tự tin hơn, có ích cho cuộc đời này hơn. Đừng lãng phí thời gian cho những điều vô bổ và hãy để quỹ thời gian quý báu của chúng ta biết những cái không biết thành đã biết.

Yêu thích

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *