Nghị luận Đạo đức là những vấn đề đơn giản đúng hay sai

Đề bài: Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan điểm: “Đạo đức là những vấn đề đơn giản: đúng hay sai. Chỉ có điều hành động đạo đức ngay cả khi không có ai quan sát mình – mới là khó”

Bài làm

Đạo đức từ lâu đã trở thành nền tảng để con người sống và làm việc cùng nhau trong một xã hội được thiết lập có chuẩn mực. Đạo đức không chỉ giúp định hình các giá trị cá nhân mà còn góp phần tạo nên một xã hội công bằng, văn minh. Thế nhưng liệu đạo đức có đơn thuần chỉ tồn tại dưới góc độ đúng – sai hay không? Ai đó đã từng nói rằng “Đạo đức là những vấn đề đơn giản: đúng hay sai. Chỉ có điều hành động đạo đức – ngay cả khi không có ai quan sát mình – mới là khó”. Câu nói mở ra một góc nhìn sâu sắc về bản chất của đạo đức.

Điều gì khiến việc duy trì đạo đức trong mọi hoàn cảnh trở nên khó khăn và làm thế nào để con người có thể giữ vững đạo đức ngay cả khi không có ánh mắt nào theo dõi?

Nghị luận Đạo đức là những vấn đề đơn giản đúng hay sai

[Định nghĩa về đạo đức] Đạo đức, về mặt lí thuyết, đó là sự phân định giữa đúng và sai. Các nguyên tắc đạo đức luôn đề ra theo những chuẩn mực, hành vi buộc con người phải tuân theo. Đó là những nguyên tắc mà từ nhỏ, hầu hết chúng ta được dạy dỗ một cách tỉ mỉ, cẩn thận. Nói dối là sai, gặp người lớn tuổi cúi đầu lễ phép chào, không bất hiếu với cha mẹ… Dưới sự dạy dỗ từ gia đình, nhà trường, xã hội; chúng ta dần dần định hình và nhận thức được gần như tất thảy hành động của mình là đúng hay sai trong những tình huống, hoàn cảnh khác nhau.

Việc nhận biết đúng sai không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc chúng ta hành động đúng. Việc biết gì là đúng và thực hiện nó như thế nào lại là một khoảng cách lớn mà không phải ai cũng có thể vượt qua. Có người suy nghĩ đúng nhưng hành động lại sai là vậy!

[Đạo đức của con người dưới góc độ xã hội] Thông thường, khi có sự quản lí của xã hội, pháp luật, con người thường có xu hướng tuân thủ theo các chuẩn mực đạo đức đã đề ra. Phần lớn, người ta sợ bị chỉ trích, bị đánh giá, trở thành “nhân vật chính” trong câu chuyện của những người láng giềng và thậm chí là sợ bị trừng phạt. Một số người cũng vì thế mà hành động một cách cẩn trọng hơn nơi công cộng, chốn đông người. Tuy nhiên, khi không có sự quan sát, sự quản lí, liệu con người có thể giữ vững cái cốt cách, cái đạo đức làm người ấy không?

[Đạo đức của con người khi không có mắt nhìn theo dõi] Khi không có sự quản lí của cấp trên, một số bộ phận nhân viên chểnh mảng trong công việc, hiệu suất việc làm giảm sút. Khi không có sự quản lí của gia đình, những đứa con dần trở nên buông thả, dễ gặp cám dỗ, cạm bẫy. Khi không có sự quản lí của thầy cô giáo, có thể những đứa trẻ sẽ trở nên ngỗ nghịch, bắt nạt bạn bè… Đây đều là những hành động đến từ lối suy nghĩ cho rằng nếu không có ai phát hiện ra sai phạm của mình, thì hành động đó sẽ không được gọi là sai.
Hoặc khi đứng trước tình huống xung đột giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung, nhiều người dễ lựa chọn con đường có ít sự bất lợi nhất cho mình từ đó có những hành động không phù hợp với văn hoá công ty, văn hoá xã hội. Họ sẵn sàng giấu giếm những sai phạm của bản thân, cố tình ném đá giấu tay để mình có lợi, được thăng tiến trong công việc, được thăng chức, nâng lương.
Một vấn nạn khác cũng đáng đưa ra bàn luận khi môi trường xã hội, tâm lí đám đông đã gây ra cho con người tâm lí tiêu cực khiến con người ta khó lòng kiên định với chuẩn mực đạo đức. Sự đồng tình từ đám đông khiến con người dễ dàng bỏ qua các giá trị đạo đức cá nhân và hành động theo cách mà số đông mong muốn dẫu bản thân nhận thức được đó là vấn đề sai trái.

[Bàn luận giá trị đạo đức thực sự nằm ở trong lẫn ngoài] Đạo đức thực sự không nằm ở sự tuân thủ bên ngoài mà còn nằm ở sự tự giác bên trong mỗi cá nhân. Nếu chúng ta không kiên định, không giữ vững lập trường thì không thể tạo ra một cái tôi có đạo đức tốt.

[Hướng hành động trong việc bảo vệ đạo đức – giá trị cốt lõi của mỗi người] Hành động đạo đức không chỉ là vấn đề lí thuyết mà còn là sự thử thách lớn đối với mỗi con người. Để có một cuộc sống đạo đức tốt đẹp, chúng ta cần rèn luyện và duy trì những giá trị cốt lõi. Hãy bắt đầu từ những chuẩn mực cơ bản như lòng trung thực, sự tôn trọng, trách nhiệm cá nhân và xem nó là kim chỉ nam trên hành trình sống đúng – sống đẹp với đời, với mình. Dù không có ai giám sát, hành vi đạo đức vẫn cần được thực hiện, tuân thủ bởi chính giá trị và nhân cách của chúng ta không phụ thuộc vào ánh mắt của người khác mà là sự soi chiếu tấm gương đạo đức bên trong của chính mình.
Ai đó đã từng nói rằng “Hãy hành động sao cho nguyên tắc hành vi của bạn có thể trở thành quy luật chung cho mọi người”. Vậy nên, mỗi chúng ta hãy nhận thức và hành động một cách đúng đắn để không hổ thẹn với lòng, không hổ thẹn với đời. Có như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng được một xã hội văn mình nơi người ta không chỉ sống đúng với người khác mà còn sống đúng với chính mình.

Yêu thích

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This will close in 0 seconds