Nghị luận Không có con đường nào không thể bước lên chỉ có những người không dám bước lên đó

Đề bài: Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan điểm “Không có con đường nào không thể bước lên, chỉ có những người không dám bước lên đó”.

Bài làm

Nhà thơ W. Goethe đã từng nói rằng: “… Ai cũng có những ước mơ, những lý tưởng sống cao đẹp nhưng để thay đổi số phận, đạt được những điều đó thì bản thân chúng ta cần phải có lòng dũng cảm.”. Câu nói ấy thật đúng đắn. Con người phải có lòng dũng cảm mới có thể đạt được những mong muốn của bản thân, đạt được những thành tựu lớn lao cho chính mình. Lòng dũng cảm cho con người sức mạnh để chinh phục mọi con đường bởi “Không có con đường nào không thể bước lên, chỉ có những người không dám bước lên đó”.

[Giải thích vấn đề nghị luận] “Không có con đường nào không thể bước lên”, con đường ở đây là con đường dẫn đến thành công, con đường thực hiện những ước mơ, mong muốn của mỗi con người. Trên con đường ấy chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua. Thành công càng lớn, ước mơ càng lớn thì càng nhiều gian nan, thử thách. Nếu ngay từ đầu chúng ta không dám bước vì sợ hãi những thử thách phía trước thì thành công, ước mơ sẽ mãi chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng. Thành công sẽ không dành cho “những người không dám bước lên” – đó là những người không có lòng dũng cảm, thiếu ý chí quyết tâm, luôn sợ những khó khăn, thử thách trên hành trình đi đến những thành công to lớn. Có thể thấy rằng, câu nói “Không có con đường nào không thể bước lên, chỉ có những người không dám bước lên đó” muốn nói đến vai trò của lòng dũng cảm – một phẩm chất tốt đẹp, cần thiết của con người trong cuộc sống và đặc biệt là trong việc thực hiện khát vọng, vươn đến thành công.

Nghị luận Không có con đường nào không thể bước lên chỉ có những người không dám bước lên đó

[Biểu hiện của lòng dũng cảm] Lòng dũng cảm là một khía cạnh quan trọng của tâm hồn con người, thể hiện qua sự can đảm, sự kiên nhẫn và khả năng đối mặt với khó khăn, nguy hiểm mà không bao giờ từ bỏ. Người có lòng dũng cảm là người sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, không run sợ trước những gian khó và luôn nỗ lực vươn lên. Là những người dám đứng lên chống lại cái ác, cái xấu, bảo vệ lẽ phải,… Lòng dũng cảm biểu hiện rất đa dạng, trong chiến tranh, đó là lòng dũng cảm của những người lính dám đứng lên chiến đấu vì đất nước, không run sợ, cúi đầu trước kẻ thù dù chúng được trang bị những vũ khí tối tân. Họ là những con người bất khuất, kiên cường trong mọi hoàn cảnh, không ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí là phải hi sinh. Trong thời bình, lòng dũng cảm thể hiện ở những con người không màng nguy hiểm xả thân cứu người gặp nạn. Những người dám lên tiếng tố cáo những thói hư, tật xấu, bất công trong xã hội. Lòng dũng cảm còn là dám theo đuổi ước mơ, đam mê của bản thân đến cùng, là dám đối mặt với bản thân, chấp nhận những khuyết điểm, những sai lầm của mình để sửa chữa, thay đổi.

[Lòng dũng cảm đem đến những điều tốt đẹp] Dũng cảm là một phẩm chất tốt đẹp, cao quý của con người. Phẩm chất đem đến sức mạnh lớn giúp con người vượt qua những thử thách trong cuộc sống, làm nên những điều ý nghĩa, phi thường. Sự dũng cảm giúp mỗi người có sự bình tĩnh, sáng suốt khi giải quyết vấn đề hay khi gặp khó khăn. Hơn nữa, chính lòng dũng cảm mang đến sự tự tin, quyết đoán cho con người. Người có lòng dũng cảm sẽ có thể tự tạo cho mình một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Và người có phẩm chất dũng cảm sẽ được mọi người yêu quý, tin tưởng và kính trọng. Không chỉ mang lại những điều tốt đẹp cho cá nhân mà còn mang lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội. Lòng dũng cảm giúp xã hội trở nên tốt đẹp và công bằng hơn bởi dũng người dám đứng lên chống lại những bất công trong xã hội.

[Dẫn chứng về con người có lòng dũng cảm] Nhờ có lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm, tinh thần bất khuất của các chiến sĩ mà dân tộc Việt Nam giành được độc lập, tự do. Chúng ta làm sao có thể quên được người anh hùng Tô Vĩnh Diện dũng cảm lấy thân chèn bánh pháo hay anh hùng Phan Đình Giót đã chiến đấu kiên cường và dũng cảm lấy thân mình lấp lỗ châu mai, dập tắt hỏa lực của địch, tạo điều kiện cho đơn vị xông lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Còn trong thời bình, chúng ta cũng bắt gặp rất nhiều những tấm gương xả thân cứu người. Câu chuyện đầy xúc động về Nguyễn Văn Nam – chàng trai sinh năm 1995, người đã hi sinh để cứu sống 5 em học sinh đang đuối nước vào ngày 30/4/2013. Mặc dù đã cứu sống em nhỏ, nhưng Nam đã không tránh khỏi số phận bi thương khi bị cuốn vào dòng nước dữ và ra đi mãi mãi. Nam là tấm gương cao đẹp và lấp lánh về lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh bản thân để cứu người khác khỏi nguy hiểm. Với lòng dũng cảm của mình, Nam đã được trao Huân chương Dũng cảm của Nhà nước Việt Nam.

[Mở rộng vấn đề nghị luận] Dũng cảm là điều đáng được tuyên dương, ca ngợi nhưng chúng ta cần phân biệt dũng cảm với hành động liều lĩnh, mù quáng. Một Người dũng cảm sẽ luôn sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn và thử thách, nhưng họ có sự cân nhắc và chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi hành động để hành động của bản thân không trở nên vô nghĩa. Ngược lại người liều lĩnh lại bất chấp mọi thứ, không cân nhắc trước sau, hành động nông nổi, như vậy không những gây nguy hiểm cho người khác mà còn cho chính bản thân mình. Dũng cảm sẽ giúp chúng ta dám dấn thân vào con đường dẫn đến những thành công, những điều tốt đẹp. Nếu chúng ta luôn sợ hãi mọi thứ, sợ hãi những thử thách trong cuộc sống mà không dám hành động, bước đi thì cuộc đời sẽ nhàm chán, ít niềm vui và sẽ không bao giờ đạt được thành công, ước mơ của mình.

Dũng cảm là đức tính tốt đẹp, giúp con người trở nên nên mạnh mẽ, quyết đoán, tự chủ trong cuộc sống. Lòng dũng cảm đem đến những hành động cao đẹp và góp phần làm cuộc sống văn minh, tươi đẹp. Hãy rèn luyện cho mình lòng dũng cảm và lan tỏa phẩm chất ấy bởi “Lòng can đảm là phẩm chất đầu tiên của con người, bởi vì nó là phẩm chất cho phép có các phẩm chất khác.” (Aristotle)

Yêu thích

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This will close in 0 seconds