Nghị luận Mối nguy hiểm của quá khứ là con người bị biến thành nô lệ

Đề bài: Erich Fromm cho rằng: “Mối nguy hiểm của quá khứ là con người bị biến thành nô lệ. Mỗi nguy hiểm của tương lai là con người có thể trở thành robot”. Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan điểm trên.

Bài làm

Nhà tâm lý xã hội học Erich Fromm đã nói về những điều mà ông cho là nguy hiểm con người, đó là: “Mối nguy hiểm của quá khứ là con người bị biến thành nô lệ. Mối nguy hiểm của tương lai là con người có thể trở thành robot”. Qua câu nói của mình, Erich Fromm bày tỏ sự thương tiếc với những người bị trói buộc bởi những gì đã xảy ra và sự lo ngại trước một thời đại – nơi mà khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc, hướng đến hiện đại hóa, tự động hóa, con người sẽ dần đánh mất nhân tính, chai sạn cảm xúc và không có trái tim như những con robot.

[Giải thích vấn đề nghị luận] Những sự kiện xảy ra trong quá khứ là những điều đã qua. Đó có thể là vinh quang, niềm vui chiến thắng cũng có thể là những mất mát, đau thương,… Nếu chúng ta có những cảm xúc mãnh liệt quá mức với sự kiện trong quá khứ ấy, sống mãi trong quá khứ thì chúng sẽ gây trở ngại cho cuộc sống hiện tại của chúng ta, thậm chí biến chúng ta thành những “nô lệ”. Nô lệ gợi cho con người hình ảnh của sự trói buộc, phụ thuộc, đau đớn, bi thảm, mất tự do và không hạnh phúc. “Mối nguy hiểm của quá khứ là con người bị biến thành nô lệ” ý muốn nói quá khứ là cái đã qua nhưng nếu con người cứ bấu víu, đắm chìm trong dòng sông quá khứ ấy, mã mãi không thể vực dậy để sống cho hiện tại và tương lai thì con người sẽ có cuộc sống bất hạnh, buồn thảm và mất đi tự do. Mất đi tự do là một mối nguy hại. Erich Fromm không chỉ đề cập đến mối nguy hại ấy, ông còn có nỗi lo về một tương lai nơi con người có thể sẽ trở thành robot. Robot là một loại máy có thể thực hiện những công việc một cách tự động bằng sự điều khiển của máy tính hoặc các vi mạch điện tử được lập trình. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta cũng thấy được sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của khoa học công nghệ, máy móc đã dần thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, chính điều đó đã tạo nên áp lực về vấn đề việc làm của con người, cùng với áp lực ấy và rất nhiều những mối lo khác của cuộc sống, con người rất có thể sẽ trở thành những cỗ – máy – người, phụ thuộc và công nghệ, thiết bị tự động hóa và dẫn trở nên vô cảm, vô tâm. Qua câu nói của mình, nhà tâm lý xã hội học Erich Fromm đã khẳng định sự nguy hiểm khi đắm chìm trong quá khứ là bị trói buộc, cầm tù và sống bất hạnh, không có tương lai. Cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa có thể khiến con người chai sạn cảm xúc, máy móc trong suy nghĩ, hành động, chịu sự chi phối nặng nề bởi những thiết bị công nghệ.

Nghị luận Mối nguy hiểm của quá khứ là con người bị biến thành nô lệ

[Lí giải tại sao sống mãi trong quá khứ là một mối nguy hiểm] Khi mãi thả mình trôi vô định theo dòng chảy quá khứ con người sẽ không thể tạo ra những giá trị mới mẻ, tích cực cho hiện tại, tương lai của chính mình và của xã hội. Luôn đắm chìm trong quá khứ sẽ kìm hãm sự phát triển cá nhân, ngăn chúng ta tiến về phía trước. Luôn tự mãn về những chiến thắng đã quá mà không tiếp tục cố gắng hay luôn suy nghĩ về những điều tồi tệ, tiếc nuối trong quá khứ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của mỗi cá nhân. Sống mãi với quá khứ có thể hủy hoại cuộc sống của mỗi con người, khiến con người mất dần những điều quan trọng (gia đình, bạn bè, cái tôi cá nhân,…) và “tự đóng cửa” với những tiềm năng, trải nghiệm mới trong tương lai.

[Con người cần có thái độ và hành động đúng đắn với những điều đã qua] Nếu như quá khứ là sợi dây vô hình trói buộc tự do, hạnh phúc của bản thân, con người cần tìm cách cắt đứt sợi dây ấy. Đầu tiên hãy học cách buông bỏ quá khứ để có thể sống cho hiện tại và tương lai như Đạt Lai Lạt Ma đã nói: “Để sống trọn vẹn cho khoảnh khắc hiện tại và lập kế hoạch phù hợp cho tương lai, chúng ta phải học hỏi càng nhiều càng tốt từ những ký ức đau buồn trong quá khứ – rồi sau đó, hãy để những ký ức này qua đi”. Buông bỏ quá khứ không phải là làm ngơ hay xóa bỏ quá khứ mà là để những trải nghiệm đó không kiểm soát, trói buộc chúng ta. Để thôi sống trong quá khứ, trước hết chúng ta cần thừa nhận cảm xúc của chính mình. Đối mặt với quá khứ, thừa nhận những cảm xúc tức giận, buồn bã, kiêu ngạo, ngông cuồng, hối hận,… là những cảm xúc hoàn toàn bình thường và tự nhiên. Sau đó, hãy nhìn nhận quá khứ với cái nhìn tích cực hơn. Giống như ai đó đã nói rằng những điều ta gặp phải trên đời là những điều ta phải gặp, chúng đến như những bài học đường đời quan trọng của ta. Chúng ta cũng cần học cách tha thứ và biết chịu trách nhiệm cho quá khứ. Rồi sau đó là hướng đến hiện tại, tương lai, đặt ra cho bản thân những mục tiêu tốt đẹp muốn hướng tới. Và nếu như chúng ta không thể bước ra khỏi quá khứ chỉ với một mình mình hay tìm đến sự giúp đỡ. Trên đời này sẽ luôn có một hay rất nhiều người yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ chúng ta chỉ cần ta nhờ họ và tin tưởng họ.

[Con người có thể phải chịu những tác động tiêu cực trong thời đại công nghệ số] Khi cuộc sống ngày càng hiện đại, con người dẫn bị gắn chặt và lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ. Nếu không đủ tỉnh táo con người có thể sẽ quên đi những giá trị truyền thống tốt đẹp, đánh mất những phẩm chất đạo đức quý giá của con người. Chúng ta không thể phủ nhận lợi ích to lớn của Cách mạng 4.0 nhưng đi cùng lợi ích là những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Con người mắc nhiều bệnh hơn và nguy hiểm nhất là trở nên chai sạn cảm xúc, trở nên vô cảm, lạnh lẽo như những con robot.

[Dẫn chứng một số tác hại mà thời đại công nghệ số] Càng ngày càng có nhiều thiết bị điện tử thông minh như điện thoại, tivi, máy tính bảng,… ra đời, thế hệ trẻ có thể dễ dàng tiếp xúc với chúng, nếu tiếp xúc nhiều và không có sự giám sát, có thể mắc các bệnh về mắt, xương khớp, da,… Bên cạnh đó, mạng internet phát triển, các tin, sản phẩm xấu độc hại cũng dễ lan truyền hơn gây ảnh hưởng đến nhận thức và hành động của con người, đặc biệt là với trẻ em. Ngoài ra, toàn cầu hóa và hội nhập cũng có thể làm các quốc gia đánh mất bản sắc riêng của mình. Đánh mất bản sắc văn hóa, không tỉnh táo trước những văn hóa ngoại lai về lâu về dài có thể đánh mất sự hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc mình.

[Mở rộng vấn đề nghị luận] Quá khứ, hiện tại và tương lai đều là những phần quan trọng của con người. Không có quá khứ thì sẽ không có hiện tại, không có hiện tại thì cũng không có tương lai. Chúng ta cần có thái độ sống tích cực, cần có bản lĩnh để đón nhận những tác động trong quá khứ lẫn tương lai. Chủ động, mạnh mẽ, luôn là chính mình, không bị lệ thuộc vào bất cứ điều gì. Cũng cần chấp nhận, biết ơn, trân trọng quá khứ vì nó giúp ta trưởng thành và cũng cần biết tận dụng những lợi thế của hiện tại và của thế giới tương lai để luôn trong tâm thế chủ động, vững vàng. Đồng thời lên án những con người có thái độ sống vô ơn, chối bỏ quá khứ và những con người lợi dụng khoa học kỹ thuật để thực hiện những hành vi sai trái, xấu xa khiến xã hội trở nên tồi tệ, bất công và thiếu văn mình.

Chúng ta không nên từ bỏ quá khứ hay trốn tránh tương lai vì những mối nguy hại ẩn bên trong chúng. Chúng ta không nên sợ hãi chúng mà hãy dũng cảm đối mặt bởi cả quá khứ, hiện tại và tương lai đều chứa đựng những điều tốt đẹp, quý giá.

Yêu thích

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This will close in 0 seconds