>>> Dẫn chứng về tinh thần tự học
Đề bài: Trả lời câu hỏi điều tra của nhà bác học Hanton – Dacuyn: “Tôi nghĩ rằng tất cả những gì có giá trị một chút tôi đều đã thu được nhờ tự học”. Từ quan điểm trên, viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về giá trị của việc tự học.
Bài làm
“Chữ thầy trong cõi người ta
Dặm dài hoa nắng trời xa biển đầy.”
Câu ca dao nói về công lao to lớn của những người thầy việc giáo dục con người trở thành những người có học thức, có phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò to lớn của người thầy trong quá trình tiếp thu tri thức, thế nhưng một yếu tố khác cũng vô cùng quan trọng để mỗi người có thể tìm hiểu và tích lũy nhiều kiến thức hơn – đó là tự học. Tự học đóng vai trò rất quan trọng đối với mỗi con người, tự học giúp ta tìm được và làm được những điều có ý nghĩa. Chính vì vậy, nhà sinh học vĩ đại Charles Darwin cũng đã từng nói: “Tôi nghĩ rằng tất cả những gì có giá trị một chút tôi đều đã thu được nhờ sự tự học.”
[Giải thích vấn đề nghị luận] Tự học có thể hiểu là việc học về một chủ đề hay nhiều chủ đề mà người học có ít hoặc không có sự giảng dạy, hướng dẫn chính thống nào. Trong câu nói của mình, Darwin đã nói đến vai trò tích cực của tự học giúp ông có được “những gì có giá trị một chút”. “Những gì có giá trị một chút” là chính là những thành quả do con người tạo ra, những thành quả ấy không chỉ mang lại những lợi ích cho bản thân mà còn cho cả cộng đồng. Như vậy, qua câu nói của Darwin, chúng ta thấy được một chân lí được nêu lên về giá trị to lớn mà việc tự học đem lại cho mỗi người và cho cả nhân loại: Tự học giúp ta có được những điều quý giá và làm được nhiều điều có ý nghĩa.
[Nguồn gốc dẫn đến việc tự học] “Điều ta biết là giọt nước, điều ta chưa biết là đại dương” (Issac Newton), tri thức là đại dương mênh mông, vô tận và không có trường lớp nào có thể dạy cho chúng ta toàn bộ những tri thức ấy. Là con người ai cũng muốn được đi học, được tiếp cận kiến thức nhưng sự thật rằng trên thế giới có rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện để đi học.Thế nhưng trong mỗi con người luôn có sự ham hiểu biết và bị thu hút bởi những điều mới lạ. Chính sự khao khát khám phá, chinh phục kiến thức mới mẻ, quý giá mà tinh thần tự học được sinh ra.
[Lợi ích của việc tự học] Bên cạnh việc tiếp nhận kiến thức từ các cơ sở giảng dạy, từ cha mẹ, từ thầy cô, bạn bè,… mỗi người còn tìm kiếm, lĩnh hội kiến thức bằng chính bản thân mình, bằng sự chủ động trong học hỏi, rèn luyện. Tự học mang lại rất nhiều lợi ích cho mỗi người. Trước hết là mang lại nguồn kiến thức, trải nghiệm mới – những điều không có ở trường học. Tự học còn rèn luyện cho mỗi người những phẩm chất, thói quen tốt khác như tự lập, tự tin, làm việc có kế hoạch. Hơn thế, tự học không chỉ giúp mỗi người trở nên tài giỏi hơn mà còn giúp cho xã hội phát triển và văn minh hơn bởi những đóng góp của những con người tài năng, hăng hái tìm kiếm, phát hiện những tri thức mới.
[Dẫn chứng về những tấm gương tự học đã đem đến những điều tốt đẹp] Trong lịch sử phát triển của nhân loại đã có rất nhiều nhà phát minh đã tự mình học tập, thử nghiệm để phát minh ra những thiết bị, những học thuyết,… giúp ích cho loài người. Trong số những nhà phát minh ấy không thể bỏ qua Thomas Edison. Không học ở trường, Edison tự học ở sách theo cách riêng của mình. Dần dần, với sự suy nghĩ, tìm tòi, thực hiện không chú trọng lý thuyết suông, từng bước Edison đã tạo ra rất nhiều sáng chế có ích như máy điện tín in chữ, máy hát, bóng đèn điện,… Hay Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của đất nước Việt Nam, với lòng yêu nước và mong muốn đất nước được hòa bình, độc lập, Người đã ra đi tìm đường cứu nước, tự học nhiều ngoại ngữ, tự học nhiều tri thức khác nhau, cuối cùng sau bao nhiêu vất vả, khó khăn Người đã tìm ra con đường giải phóng đất nước và thực sự đã đưa dân tộc Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, tự do, thống nhất và hòa bình.
[Mở rộng vấn đề nghị luận] Từ những tấm gương sáng về tinh thần tự học, chúng ta thấy được rằng tự học không chỉ là biểu hiện của chí lớn của mỗi con người mà chính tinh thần tự học đã tạo ra những con người tài năng, vĩ đại làm bao điều ý nghĩa, lớn lao cho xã hội, cho cộng động. Tự học là một phẩm chất rất cần có ở mỗi con người. Chúng ta cần rèn luyện cho mình thói quen tự học, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Chúng ta không nên lãng phí thời gian vào những điều vô bổ, hay sử dụng quỹ thời gian quý báu để chủ động học tập, rèn luyện những kiến thức đã được biết và tìm kiếm, tiếp nhận thêm nhiều kiến thức đa dạng, hữu ích. Tự học rất quan trọng nhưng chúng ta cũng cần chọn cho mình phương pháp tự học phù hợp với bản thân và chọn được những tài liệu chuẩn. Không thể phủ nhận giá trị to lớn của việc tự học nhưng đồng thời chúng ta cũng không nên hạ thập việc giáo dục đến từ trường học hay những cơ sở có chuyên môn. Bởi sự giảng dạy, hướng dẫn của những người có kiến thức, kinh nghiệm chính là nền tảng vững chắc của chúng ta và họ cũng là một “nguồn” cung cấp cho ta những tài liệu, sách báo uy tín, khoa học và bổ ích.
Câu nói của Charles Darwin như một lời khuyên bổ ích cho chúng ta, ông đề cao việc tự học của mỗi cá nhân bởi chính bản thân ông đã có được những điều giá trị nhờ tự học. Để có được tri thức và trở thành những công dân có ích cho xã hội, mỗi chúng ta cần chăm chỉ học tập, học mọi lúc mọi nơi, học ở trường lớp, ở thầy cô và cả tự học bởi “Tri thức không vô tình mà đạt được. Chúng ta phải tìm kiếm nó với sự nhiệt tình và đạt được nó bằng sự chăm chỉ” (Abigail Adams).