Nghị luận: Tôi khóc những chân trời không có người bay Lại khóc những người bay không có chân trời

Đề bài: Nhà thơ Trần Dần từng viết:

“Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời”

Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý thơ trên.

Bài làm

1. Giải thích ý kiến

– Trong câu thơ của mình, nhà thơ Trần Dần thể hiện sự nuối tiếc cho những chân trời không có người bay và cho những người bay không có chân trời:

+ Chân trời mang ý nghĩa tượng trưng cho những giới hạn, những ước mơ mà con người vươn tới trong cuộc đời, những mục đích, phương hướng mà con người ý thức được trên hành trình sống và khẳng định bản thân.

+ Những chân trời không có người bay: những giới hạn, những ước mơ mà con người đã lãng quên hay không còn muốn chạm đến trong cuộc đời

+ Những người bay không có chân trời: những người đang sống và hành động mà không thực sự biết mình mong muốn điều gì, mình hướng đến mục đích gì, điều mình làm có ý nghĩa gì

→ Những chân trời không có người bay và những người bay không có chân trời không phải là những hiện tượng lạ lẫm mà ngày càng dễ nhận thấy trong đời sống cũng như trong nghệ thuật.

– Vì sao những hiện tượng đó lại trở nên đáng tiếc?

+ Trong phạm vi đời sống:

• Có những giới hạn trong đời sống nếu như con người lãng quên hay không còn muốn chạm đến nó đời sống của chúng ta sẽ trở nên nghèo nàn tột bậc và đáng sợ biết bao nhiêu: khao khát đạt đến sự hoàn thiện, lòng tốt và sự tử tế trong đời sống, đấu tranh cho sự công bằng…

• Con người ta chỉ sống một lần trong đời, không thể xuất hiện và biến mất như một hạt cát tan nhòa vào hư vô được mà phải khẳng định mình bằng một sự tồn tại có ý nghĩa. Hành trình sống của con người là hành trình xác lập ý nghĩa của tồn tại. Vì thế không thể lãng phí quãng thời gian hữu hạn đó để làm những điều vô nghĩa, sống theo quán tính, a dua theo số đông, sống với những niềm hạnh phúc vay mượn. Những người sống không có mục đích, không có lý tưởng sẽ chỉ suốt đời loay hoay bám vào những chân trời của người khác mà không thể bắt rễ sâu xa và tìm thấy hạnh phúc thực sự ở đó.

+ Trong phạm vi nghệ thuật: nghệ thuật lại càng đòi hỏi con người phải chạm đến được những giới hạn mà trong đời sống con người ta chưa thể chạm đến được. Nghệ thuật không bị ràng buộc bởi không gian, thời gian vật chất. nó được hoàn toàn tự do để mơ, để tưởng tượng những điều tốt đẹp mà hiện thực chưa thể có, từ đó nuôi dưỡng niềm tin nơi con người. Và hơn bất kì lĩnh vực nào, nghệ thuật không chấp nhận những con người không có mục đích, không có hướng đi riêng cho mình. Trong nghệ thuật điều tối kị nhất là a dua, là sự lặp lại, lặp lại mình đã là điều không nên huống chi lặp lại người khác.

→ Dù làm bất kì việc gì trong cuộc sống, từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất cho đến những việc phức tạp, đòi hỏi sự sáng tạo cao nhất thì con người vẫn luôn phải tự ý thức rõ ràng về những giới hạn, những mục tiêu, niềm yêu thích mình dành cho công việc đó… Đó là một trong những điểm quan trọng giúp chúng ta tận dụng hiệu quả quãng thời gian ngắn ngủi của đời người để sống có ý nghĩa

2. Chứng minh

– Ví dụ trong đời sống:

+ Thời đại vật chất lên ngôi, con người ta sống ngày càng lạnh lùng, vô cảm, có những giá trị tinh thần con người đã vô tình lãng quên, vô tình đánh mất: tình yêu thương, sự tử tế… (ngay từ những năm 80- đạo diễn Trần Văn Thủy đã làm bộ phim tài liệu “Chuyện tử tế” để chất vấn và kiếm tìm những biểu hiện của sự tử tế trong một đời sống đã và đang đổi khác rất nhiều). Tâm lí đám đông chấp nhận an phận khiến cho người ta không còn dám lên tiếng vì cái xấu, cái ác, không dám đấu tranh trước những bất công và điều đó còn đáng sợ hơn bản thân những điều bất công, bản thân cái xấu, cái ác (hành động của kẻ xấu- sự im lặng của những người tốt)…

+ Tâm lí đám đông, tác động của truyền thông… khiến cho rất nhiều người sống theo lối a dua, làm việc gì cũng theo “mốt”, theo phong trào trong khi đó là điều mình không thực sự muốn hoặc không thực sự biết có phải là điều mình muốn hay không.

Ví dụ như đứng trước sự lựa chọn trường đại học, lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, rất nhiều bạn không biết mình thích làm nghề gì, mình có thế mạnh trong những môn học nào, ngành học nào mà đơn giản thi vào một trường vì bố mẹ muốn như thế, vì trường đó rất danh tiếng, vì có rất nhiều bạn bè cũng thi vào trường đó… Những người làm việc mà không có đam mê, không có mục tiêu nghề nghiệp sẽ chỉ lảm việc như người ta cần có một công việc để đáp ứng vừa đủ nhu cầu về tiền bạc của bản thân và một chỗ đứng trong xã hội để không ai coi thường mình. Những người đó sẽ không tìm thấy niềm vui trong công việc, đáp ứng được tiêu chí hoàn thành công việc nhưng sống một đời buồn tẻ, nhạt nhòa, không bao giờ có thể tạo ra những giá trị mới… Những người sống không có ước mơ, không có phương hướng cũng vậy, họ chỉ sống vì đã sinh ra nên phải sống, sống như một quán tính chứ không hề muốn xác lập một ý nghĩa nào đó cho sự tồn tại của mình, không hề khao khát, đam mê bất kì điều gì trong đời… Những người đó sẽ để thời gian ngắn ngủi của cuộc đời trôi qua trong hoài phí, họ cứ như chiếc bóng dật dờ đi ngang qua cuộc đời mà chưa bao giờ thực sự sống…

– Ví dụ trong nghệ thuật: có thể lấy ví dụ từ chính đời sống nghệ thuật đương đại

3. Bình luận

– Từ câu thơ của Trần Dần, bàn về sự tự nhận thức của mỗi người trong cuộc sống. Cần ý thức một cách rõ ràng về năng lực, mục đích, phương hướng, những niềm đam mê, mơ ước… trong cuộc đời để hành trình sống của mỗi người là niềm hạnh phúc từ điểm bắt đầu, trong suốt quá trình, đi đến tận điểm kết thúc chứ không phải là chuỗi ngày dài bi kịch sống cuộc đời mà mình không biết, không yêu, không lựa chọn cũng không thuộc về.

– Liên hệ đến những nhận thức và kinh nghiệm của bản thân người viết

Yêu thích

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *