Nghị luận trả lời cho câu hỏi Liệu có phải lúc nào im lặng cũng là vàng

Đề bài: Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trả lời cho câu hỏi: “Liệu có phải lúc nào im lặng cũng là vàng?”

Bài làm

Im lặng đôi khi được coi là biểu hiện của sự tinh tế, sự thấu hiểu sâu sắc giữa âm vang sắc màu trong thế giới này. Người ta vẫn thường ví von với nhau rằng im lặng là vàng bởi nó mang đến sự bình yên đến dịu nhẹ. Song có phải rằng, lúc nào im lặng cũng là điều nên làm và cần thiết?

[Giá trị của việc im lặng] Im lặng là trạng thái không phát ra âm thanh, không nói, không biểu đạt ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình cho người khác. Im lặng được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như không đôi co, lắng nghe đối phương… Im lặng mang lại cho con người sự bình tĩnh, giúp chúng ta tránh khỏi những xung đột, tranh cãi không đáng có. Thay vì con người ta phản ứng mạnh mẽ khi bị một ai đó xúc phạm thì sự im lặng thường được coi là cách ứng xử khôn ngoan nhất. Im lặng giúp chúng ta không làm tổn thương lẫn nhau, giữ được sự tôn trọng cũng như nhận được sự đánh giá cao trong nghệ thuật giao tiếp giữa con người với con người.

Nghị luận trả lời cho câu hỏi Liệu có phải lúc nào im lặng cũng là vàng

[Im lặng giúp con người kiểm soát cảm xúc] Trong giao tiếp hằng ngày, im lặng giúp con người ta kiểm soát cảm xúc. Đặc biệt, khi chúng ta gặp phải những tình huống oái oăm, khó chịu thay vì tranh cãi thì việc chúng ta im lặng lại là biểu hiện tốt để tạo ra không gian đôi bên suy nghĩ nhiều hơn về hành động của mình. Hoặc đơn cử trong các cuộc hội thoại, người nói phải có người nghe. Nếu ai cũng chăm chăm vào câu chuyện của chính mình mà không quan tâm đối phương đang nói thì cuộc hội thoại dù có thân thiết đến đâu cũng sớm tàn. Chúng ta cần im lặng để lắng nghe, để dành cho người nói sự tôn trọng nhất định và hơn hết, im lặng để lắng nghe một cách trọn vẹn điều mà người khác đang đề cập với chính bạn. Chúng ta dễ dàng nhận được sự tôn trọng mà người khác dành cho mình khi hiện nay, rất ít người chịu lắng nghe.

Im lặng – một trạng thái tưởng chừng đơn giản song để thực hiện được nó thì lại khó vô cùng. Im lặng là khoảng thời gian quý báu giúp chúng ta có cơ hội nhìn lại bản thân. Chúng ta có thể sống nhanh, sống vội với đời nhưng đôi lúc, chúng ta cần lắng đọng mình lại để suy nghĩ cho bản thân để tìm điều phù hợp lẫn chưa phù hợp.

[Im lặng không phải lúc nào cũng là vàng] Tuy nhiên, không phải lúc nào im lặng cũng là vàng. Im lặng là con dao hai lưỡi nếu bạn không kiểm soát chúng một cách đúng đắn, hợp tình hợp lí. Khi đứng trước những hành vi sai trái, nếu chúng ta im lặng giấu diếm, chúng ta đang gián tiếp tiếp tay cho kẻ xấu lộng hành, sự thật bị chôn vùi, công lí không thể đưa ra ánh sáng. Im lặng trong những tình huống như vậy không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm, vô tâm của bản thân mà đây còn là hành động đáng xấu hổ khi không thể phân biệt đâu là sự hành động khôn ngoan và đâu là sự hành động hèn nhát.

Chúng ta im lặng khi trông thấy bạn học sinh sử dụng phao chép tài liệu trong giờ kiểm tra; chúng ta im lặng khi trông thấy bạn học mình bị bạo lực học đường; chúng ta im lặng khi trông thấy kẻ xấu đang thực hiện hành vi cướp giật; chúng ta im lặng khi trông thấy những hành động dơ bẩn vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật… Suy cho cùng, tất cả đều khiến chúng ta trở thành một kẻ xấu, một kẻ vô cảm trước thời cuộc.

Không chỉ vậy, việc im lặng quá lâu còn có thể dẫn đến cô đơn khi họ không thể chia sẻ suy nghĩ, chia sẻ cảm xúc của mình tới người khác. Chúng ta không sống cô độc mà chúng ta đang sống trong một tập thể có đi có lại. Nếu chúng ta không giao tiếp thì tất yếu, chúng ta không thể không phát triển, không thể hoàn thiện bản thân. Và thậm chí, nguy cơ mắc các chứng bệnh về tinh thần là điều hoàn toàn không tránh khỏi. Im lặng là tốt nhưng đó không phải là điều để bạn nguỵ biện, bao che hay lừa dối chính mình trước những tình huống như vậy. Bởi lẽ, bạn đang tự làm chính mình trở nên tồi tệ đi trông thấy.

[Im lặng chỉ có giá trị khi được áp dụng đúng lúc] Chúng ta phải biết khi nào im lặng, khi nào cần lên tiếng. Im lặng chỉ thực sự có giá trị khi nó được áp dụng đúng lúc, đúng hoàn cảnh. Chính vì vậy mà mỗi người cần học cách lắng nghe, suy xét hoàn cảnh sự việc. Trước khi quyết định im lặng hay lên tiếng, hãy cân nhắc xem điều đó có mang lại lợi ích gì hay không, hành động của chúng ta liệu có ảnh hưởng đến những người xung quanh hay không? Như nhà triết học Plato từng nói “Im lặng mang lại sự khôn ngoan, nhưng sự dũng cảm lên tiếng mới mang lại công lí”. Hãy sẵn sàng đứng lên chống trả cái xấu, cái ác, lên tiếng để bảo vệ cái gọi là công bằng. Và khi đối diện với những vấn đề của cá nhân, đứng trước những cuộc cãi vã nhỏ bé, bạn có thể im lặng để làm dịu đi tình trạng căng thẳng, để bảo vệ bản thân.

Như vậy, không phải lúc nào im lặng cũng là vàng. Bạn hãy trở thành người tiêu dùng thông thái trong việc lựa chọn thời điểm im lặng hay không im lặng. Mỗi người cần học cách sử dụng im lặng một cách thông minh để hoàn thiện bản thân, cải thiện các mối quan hệ.

Yêu thích

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *