Đề bài: Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề danh và thực.
Bài làm
Mỗi người có những mục tiêu, lí tưởng khác nhau để theo đuổi trong cuộc sống. Có người tìm kiếm danh lợi, có người lại mưu cầu thực lực, và thậm chí có người cố gắng lựa chọn cả hai. Khái niệm danh và thực từ đó cũng trở thành một vấn đề đáng suy ngẫm.
[Định nghĩa danh, thực, mối quan hệ giữa danh và thực] Danh là những gì con người có thể nhìn thấy, được phô diễn ra bên ngoài. Đó là sự ghi nhận của một tập thể, một cộng đồng, một xã hội về thành tựu, địa vị, danh tiếng mà họ đạt được. Những người có danh, có thể nói, họ là những người được xã hội tôn trọng, ngưỡng mộ. Còn thực lại là giá trị thực chất bên trong con người. Thực có thể không lộ rõ ra bên ngoài, cũng không phải lúc nào cũng được xã hội nhìn nhận, đánh giá và thừa nhận. Song có một điều chắc chắn rằng người có thực là những người có khả năng thực hiện, mang lại những giá trị thiết thực cho xã hội dù họ không nổi tiếng như “danh”.
[Thực trạng về danh tiếng trong xã hội] Trong xã hội, có những người sở hữu danh tiếng lớn song năng lực và khả năng đóng góp cho đất nước lại chưa tương xứng. Ngược lại, có những người có thực lực giỏi giang nhưng lại không được xã hội đánh giá cao, thậm chí là không công nhận. Điều này tạo nên sự chênh lệch trong mối trường cạnh tranh – nơi mà giá trị thực sự bị lu mờ bởi những hình thức bên ngoài. Vì vậy mà danh – thực từ lúc nào đã trở thành mối quan hệ mật thiết với nhau.
Xã hội ngày một phát triển, cạnh tranh giữa con người với con người ngày trở nên khốc liệt, cam go. Nhu cầu về thành công, khẳng định giá trị của bản thân, chỗ đứng của chính mình trong xã hội ngày một lớn khiến nhiều người lựa chọn con đường tìm kiếm danh tiếng trước khi xây dựng nền tảng thực lực vững chắc. Một số người không ngần ngại việc sống ảo, sống phô trương, sống hào nhoáng. Có người vì mong muốn được nhanh chóng nổi tiếng mà chấp nhận làm những việc mất đi nhân cách, mất đi đạo đức, làm dơ bẩn thuần phong mĩ tục của dân tộc. Đây không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề của cá nhân mà đó còn tạo ra một xu hướng xã hội không lành mạnh khi mà con người dần quên đi việc phát triển bản thân.
[Biểu hiện của thực lực trong xã hội] Ngược lại, có những người âm thầm, lặng lẽ làm việc, không phô trường nhưng lại sở hữu năng lực, tài năng, phẩm chất hơn người. Chúng ta lại nhớ đến hình ảnh về anh thanh niên trong câu chuyện “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long khi anh coi công việc là người bạn đồng hành với mình. Công việc thầm lặng đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, báo thời tiết hằng ngày phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Họ có thể không nổi tiếng, không được đông đảo quần chúng biết đến song giá trị mà họ mang lại cho cộng động là điều mà chúng ta không thể phủ nhận. Dù có danh hay không thì họ cũng có chỗ đứng trong xã hội bởi đó là người thực sự có thực. Thành công đến từ sự nỗ lực, kiên trì chứ không đến từ sự hào nhoáng phô trương giả dối.
[Mối quan hệ giữa danh và thực] Thế nhưng, không thể phủ nhận danh tiếng cũng có vai trò quan trọng trong cuộc sống. Danh là phương tiện giúp cá nhân mở rộng mối quan hệ, xây dựng thương hiệu bản thân lớn hơn, giúp con người có thể cơ hội khẳng định vị thế. Chúng ta không đánh đồng giữa danh và thực. Chúng ta hiểu rằng, danh tiếng cần được xây dựng trên nền tảng đạo đức, năng lực thì mới có thể trường tồn lâu dài theo thời gian. Và người có thực lực cần kiên định với mục tiêu, lí tưởng cao đẹp của chính mình thì sớm hay muộn, danh cũng sẽ đến.
Nhà triết học Hi Lạp từng nhận xét “Hãy để danh tiếng theo đuổi bạn, đừng để bạn phải theo đuổi danh tiếng”. Câu nói phần nào nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc phải chú trọng đến việc xây dựng thực lực trước khi xây dựng danh tiếng.
[Hướng hành động dành cho mỗi người] Để có thể hoà hợp giữa danh và thực, ngay từ bây giờ, hãy giáo dục cho mỗi người con, mỗi thế hệ về sự cần thiết trong việc phát triển năng lực bản thân. Mỗi người trong chúng ta phải hiểu rằng, danh tiếng không phải là mục tiêu cuối cùng. Mặc khác, xã hội cần nhân rộng lời khen, sự tuyên dương đến những người có cống hiến tốt đẹp cho quê hương. Khi những giá trị thực sự được tôn vinh, đề cao thì xu hướng chạy theo danh tiếng ảo mộng sẽ dần giảm đi. Xã hội sẽ ngày một tốt đẹp hơn, công bằng hơn, lành mạnh hơn. Hơn thế nữa, mỗi cá nhân cần ý thức về giá trị của mình, không nên bị cuốn vào vòng xoáy của danh tiếng ảo. Việc liên tục học hỏi, cải thiện bản thân giúp mỗi người xây dựng được danh tiếng một cách tự nhiên, bền vững trên con đường khẳng định giá trị bản thân trong xã hội.
Như vậy, danh và thực cần được đặt trên bàn cân song hành, nâng đỡ nhau để cuộc sống mỗi người ý nghĩa, tiến bộ hơn. Việc phấn đấu có danh tiếng là điều cần thiết nhưng quan trọng hơn là chúng ta cần phải xây dựng thực lực. Khi danh và thực đi đôi với nhau, chúng ta ngoài việc đạt được sự công nhận xã hội mà còn tự hào về giá trị thực sự của bản thân.