Đề bài: Thomas Jefferson từng ca ngợi: “Trung thực là chương đầu tiên trong cuốn sách về sự khôn ngoan”. Thế nhưng cũng có nhiều quan điểm cho rằng: “Thật thà là thiệt” (Diễn đàn Sống trung thực, được gì? – Báo tuổi trẻ). Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về hai quan điểm trên.
Bài làm
Trung thực là một trong những phẩm chất quan trọng và cần thiết đối với mỗi con người. Thomas Jefferson cũng từng ca ngợi: “Trung thực là chương đầu tiên trong cuốn sách về sự khôn ngoan”. Ý kiến ấy hoàn toàn có cơ sở và vô cùng đúng đắn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: “Thật thà là thiệt”. Trung thực và thật thà tưởng như là hai khái niệm hoàn toàn giống nhau nhưng thật ra lại khác nhau, chúng ta cần hiểu rõ về hai khái niệm này để có nhận thức và lối sống đúng đắn.
[Giải thích vấn đề nghị luận] Thomas Jefferson đã đúng khi cho rằng trung thực là “chương đầu tiên” trong cuốn sách về sự khôn ngoan. Khôn ngoan là được hiểu là sự khôn khéo trong cách xử sự, biết tránh cho mình những điều không hay. Từ cách hiểu về sự khôn ngoan, chúng ta thấy rằng trung thực quả là điều đầu tiên để thể hiện sự khôn ngoan của bản thân. Trung thực là lối sống ngay thẳng, tôn trọng sự thật, luôn đứng về lẽ phải, bảo vệ công bằng, sống đúng với lương tâm mình và thành thật với chính mình và với mọi người xung quanh. Trung thực là một đức tính tốt nhưng nó không hoàn toàn đồng nghĩa với thật thà. “Thật thà là thiệt” – thật thà là Tự bộc lộ mình một cách tự nhiên, không giả dối, không giả tạo. Tại sao lại cho rằng thật thà thiệt? Đó là ý nói đến những người thật thà một cách ngây ngô, hỏi gì cũng nói, không suy nghĩ và không để tâm nhiều đến xung quanh. Chính điều đó dẫn đến sự thiệt thòi của bản thân. Như vậy, hai ý kiến trên đã cho chúng ta được phân tích kĩ càng hai khái niệm “trung thực” và “thật thà”, từ đó có thêm bài học về ứng xử trong cuộc sống.
[Biểu hiện của lòng trung thực] Một người trung thực là một người luôn tôn trọng sự thật, không bao giờ phóng đại mọi việc lên một cách thái quá, họ sẽ nói những gì họ nhìn thấy bằng mắt mình, nghe thấy bằng tai mình. Người trung thực sẽ thành thật với cảm xúc của bản thân và từ chối nói quá sự thật để thu hút sự chú ý hay lấy sự thương cảm của người khác. Những người trung thực sẽ có “lời nói đi đôi với hành động”, học không nói một đằng làm một nẻo vì họ nhận thức được sự trung thực sẽ tạo nên niềm tin với mọi người xung quanh và là cách tốt nhất để xây dựng mối quan hệ với người khác. Người trung thực cũng là người có chữ tín. Họ biết giữ lời hứa, ngay cả khi họ đang gặp khó khăn. Họ hiểu giá trị của một lời hứa và không xem nhẹ việc thực hiện hay thất hứa đối với mọi người. Họ cũng là những cá nhân có trách nhiệm với bản thân, dám nhận lỗi khi làm sai và không bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác khi mọi việc diễn ra không như ý muốn. Họ chịu trách nhiệm, học hỏi từ những sai lầm và tiến về phía trước để đảm bảo điều đó không xảy ra lần nữa. Người trung thực sẽ là người khôn ngoan, bởi họ biết cách kiềm chế cơn giận của mình, ngay cả khi áp lực và mức độ căng thẳng cao. Họ đưa ra quyết định trung thực với đầu óc minh mẫn và trái tim rộng mở, họ từ chối để cảm xúc của mình cản trở việc tạo ra một thứ gì đó hiệu quả và tốt đẹp hơn.
[Giá trị tốt đẹp của lòng trung thực] Đức tính trung thực sẽ mang đến những điều tốt đẹp cho người sở hữu nó. Đó là sự quý mến, tin tưởng, kính trọng từ mọi người xung quanh. Thu hút những người có cùng năng lượng tích cực nhờ vậy mà có được nhiều mối quan hệ tốt đẹp. Sống trung thực sẽ có cuộc đời bình yên, thanh thản vì không cần lo sợ những lời dối trá bị vạch trần, bại lộ. Sự trung thực không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn cho cộng đồng và xã hội. Chính sự tôn trọng sự thật, dám đứng lên bảo vệ sự thật, sự công bằng, lẽ phải mà xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp và văn minh.
[Thật thà không thiệt thòi] Thật thà không phải một điều xấu, đó cũng là một đức tính tốt của chúng ta. Về cơ bản, thật thà cũng giống như trung thực, đều là nói thật lòng mình. Thế nhưng, chúng ta cần thật thà một cách khôn ngoan. Cần nắm được hoàn cảnh, đối tượng giao tiếp của mình để quyết định nên và không nên nói những gì. Không nên cái gì cũng nói, nói quá nhiều đôi khi lại trở nên vô nghĩa, không cần thiết. Nếu cứ thật thà một cách ngây ngô thì thật sự sẽ không mang lại lợi ích gì cho bản thân. Thêm vào đó, cần hiểu rõ thế nào là “thật thà là thiệt” để có lối sống lành mạnh, không nên tin một cách mù quáng vào câu nói, không suy xét kỹ lưỡng dẫn đến suy nghĩ và hành động lệch lạc. Sợ thiệt thòi mà sống dối trá, lừa lọc.
[Dẫn chứng về lòng trung thực] Từ xa xưa, chúng ta đã có rất nhiều tấm gương sáng về lòng trung thực. Chuyện về Mạc Đĩnh Chi được ca ngợi là người liêm khiết, thẳng thắn. Một lần để thử ông, vua Minh Tông sai viên quan nội thị đem 10 lạng bạc bí mật đặt ở cửa nhà Mạc Đĩnh Chi. Sáng sớm Mạc Đĩnh Chi dậy tập xong bài quyền, khi bước lên bậc cửa bỗng kêu lên: “Tiền của ai đánh rơi mà nhiều thế?”, đếm được tròn 10 quan. Ông khăn áo vào tâu vua xin trao lại để trả cho người mất. Nhà vua cười bảo: “Không ai nhận tiền ấy thì ngươi cứ lấy mà dùng”. Mạc Đĩnh Chi vẫn đòi trả cho người bị mất. Lúc đó vua mới nói: “Nhà ngươi yên tâm, cứ giữ mà dùng. Tiền thưởng cho lòng chính trực, liêm khiết của nhà ngươi đấy”. Mạc Đĩnh Chi hiểu ra là vua thử lòng ông. Và tinh thần “nhặt được của rơi trả người đánh mất” ấy vẫn được giữ gìn đến ngày nay, không khó để chúng ta thấy những tin tức về những em học sinh nhặt được tiền, của cải của người khác đã đem đến công an để trả lại cho người đánh mất. Những em học sinh ấy rất xứng đáng được tuyên dương và hành động của các em rất đáng được lan tỏa.
[Mở rộng vấn đề nghị luận] Đức tính trung thực luôn mang lại những điều tốt đẹp vì vậy chúng ta cần tự xây dựng cho mình lối sống trung thực, đồng thời khuyến khích mọi người xung quanh hãy sống trung thực. Cùng với đó cần lên án mạnh mẽ những hành động thiếu trung thực, nói dối để “phông bạt”, để đánh bóng tên tuổi, trục lợi cá nhân hay thực hiện những hành vi sai trái, thất đức. Trung thực là tốt nhưng chúng ta cũng cần phân biệt nó với sự thẳng thắn thái quá, vô duyên. Nói mà không suy nghĩ làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, đến chính bản thân mình và có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
“Thi sĩ của vùng Avon” William Shakespeare đã từng nói: “Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực”. Câu nói ấy thật đúng đắn, trung thực là nền tảng của những đức tính khác, nó vô cùng quý giá. Ai cũng có trong mình lòng tự trọng, không nên vì hoàn cảnh mà đánh mất nó, hãy giữ gìn và bảo tồn nó như những “di sản” quý giá.