Đề bài: Trong Tiếng nói của văn nghệ, Nguyễn Đình Thi viết: “Văn nghệ giúp con người được sống phong phú hơn và tự hoàn thiện nhân cách, tâm hồn mình”. Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua một số tác phẩm văn chương mà em tâm đắc.
Bài làm
* Giới thiệu vấn đề nghị luận, trích dẫn ý kiến của nhà văn Nguyễn Đình Thi.
* Giải thích nhận định
– HS có thể giải thích nghĩa của từ văn nghệ nói chung nhưng phải hướng vào tác phẩm văn chương…
– “Văn nghệ giúp con người được sống phong phú hơn” nghĩa là văn học bắt nguồn từ đời sống hiện thực khách quan, là sản phẩm tinh thần được sáng tạo qua lăng kính của người nghệ sĩ, văn học đem đến cho người đọc những nhận thức phong phú, giàu có về thế giới tự nhiên, đời sống xã hội con người, bồi dưỡng tâm hồn người đọc những tình cảm tốt đẹp: vui, buồn, ….
– Không những vậy, văn nghệ còn giúp con người “tự hoàn thiện nhân cách, tâm hồn mình” bởi văn học tác động và đánh thức, khơi dậy trong ta bao ước mơ, khát vọng vươn tới tương lai, sống lạc quan, yêu đời, yêu con người và cuộc sống tha thiết, giúp thanh lọc tâm hồn, thắp lên trong ta bao yêu thương, khát vọng, …
=> Ý kiến trên của Nguyễn Đình Thi bàn về chức năng giáo dục của tác phẩm văn chương.
* Bàn luận, lí giải vấn đề:
Bàn luận
– Văn chương luôn mang sứ mệnh cao cả và thiêng liêng, góp phần làm đẹp cho cuộc đời bởi “Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người trong con người” (Nguyên Ngọc). Qua văn học, con người tìm thấy mình trong đó, cảm nhận được những cung bậc tình cảm đa dạng trong thế giới nội tâm con người, được giãi bày, được đồng cảm, được sẻ chia, được gợi ra những tình cảm chưa có, “luyện” những tình cảm sẵn có…
– Văn chương còn khơi dậy trong ta niềm tin vào sự tất thắng của cái thiện, niềm tin vào cuộc sống… Để từ đó, ta biết đồng cảm với những nỗi đau, nỗi khốn khổ của họ “Văn học là tiếng nói của con tim, là nơi dừng chân của tâm hồn…
* Chứng minh làm sáng tỏ ý kiến: đây là phần mở, cho học sinh được thể hiện những khám phá, sáng tạo của bản thân. Tuy nhiên cần đạt những yêu cầu sau:
– Dẫn chứng thuộc ít nhất 02 tác phẩm ngoài chương trình (SGK THCS hiện hành).
– Dẫn chứng thuộc những tác phẩm có giá trị, có chất lượng nghệ thuật thực sự.
– Sắp xếp dẫn chứng khoa học, hợp lý.
– Khi phân tích dẫn chứng để chứng minh cần phải làm rõ:
– HS có thể tự chọn một tác phẩm thơ hoặc truyện hay cả 2 tác phẩm để chứng minh cho nhận định (cần gắn vào nhận định để làm nổi bật về chức năng giáo dục của tác phẩm văn chương. ) dựa vào hai luận điểm sau.
+ Luận điểm 1:Văn nghệ giúp con người được sống phong phú hơn.
+ Luận điểm 2: Văn nghệ giúp con người tự hoàn thiện nhân cách, tâm hồn mình
(Lưu ý: học sinh không phân tích tách rời nội dung và hình thức nghệ thuật của dẫn chứng (của tác phẩm); yêu cầu phải làm rõ được mối quan hệ cũng như sự thống nhất hài hòa, chặt chẽ không tách rời giữa nội dung và hình thức ở mỗi dẫn chứng (theo đặc trưng thể loại).
* Đánh giá, mở rộng, nâng cao
– Ý kiến của Nguyễn Đình Thi là hoàn toàn đúng đắn bởi lẽ văn học nghệ thuật là hình thái đặc trưng, hình thành từ những tìm tòi, khám phá của người nghệ sĩ về hiện thực đời sống thể hiện quan điểm của nhà văn,từ đó tác động đến nhận thức, tình cảm, cảm xúc của người tiếp nhận. Mỗi tác phẩm văn nghệ chân chính sẽ “ rọi vào bên trong ta một ánh sáng riêng” rất đỗi kì diệu, nó làm thay đổi mắt ta nhìn, óc ta nghĩ” giúp ta sống đẹp, sống phong phú hơn….
– Bài học cho người sáng tác: Khi sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ cần có tài năng và tâm huyết để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật chân chính, giúp người đọc hướng tới giá trị chân – thiện – mỹ, bồi dưỡng tâm hồn bạn đọc.
– Bài học cho người tiếp nhận: Đồng điệu với tình cảm, cảm xúc, tư tưởng của người nghệ sĩ, đi sâu tìm ra được cái mạch nguồn cảm xúc dạt dào mà sâu kín của nhà văn, nắm được hạt ngọc mà người nghệ sĩ thai nghén gửi gắm. Có như thế mới có thể bước vào địa hạt của cái đẹp. Đồng thời, biết sống đẹp, sống phong phú hơn, nhất là việc di dưỡng, hoàn thiện nhân cách, tâm hồn.
*Kết thúc vấn đề: Khẳng định lại bản chất ý nghĩa, sức sống của văn chương, tính đúng đắn của nhận định.