Nghị luận về bài học từ câu chuyện Một con sâu bò cả ngày thì có thể di chuyển được 1m

Đề bài: Một con sâu bò cả ngày thì có thể di chuyển được 1m. Nếu trước khi chết, nó muốn di chuyển được 10km thì phải làm thế nào đây ? Phải gồng mình mà bò quyết liệt hơn? Không phải vậy. Phải biến thành bướm và vỗ cánh bay đi.
(Theo Rando Kim, Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu, NXB Hà Nội, 2016)
Hãy viết về một bài học cuộc sống mà anh/chị rút ra được từ đoạn văn trên.

Hướng dẫn làm bài

1. Mở bài: Nêu vấn đề nghị luận

Trong hành trình của cuộc sống, chúng ta không ít lần tự hỏi: Làm sao để tiến xa hơn? Làm sao để vươn tới những mục tiêu tưởng chừng vượt quá khả năng? Câu trả lời đôi khi không nằm ở việc cố gắng nhiều hơn mà ở việc thay đổi cách nghĩ, cách làm. Hình ảnh ẩn dụ trong lời văn của Rando Kim – “Một con sâu bò cả ngày thì có thể di chuyển được 1m… Nếu muốn đi 10km thì phải hóa thành bướm và bay đi” – đã gợi cho em một bài học sâu sắc: muốn đạt được những mục tiêu lớn lao, đôi khi ta cần phải thay đổi chính mình, thay đổi cách tiếp cận thay vì chỉ miệt mài đi theo lối cũ.

2. Thân bài

a. Xác định vấn đề nghị luận

Đây là dạng đề mở, với cách giải mã khác nhau về các hình ảnh ẩn dụ, cùng với những hiểu biết và suy ngẫm riêng, học sinh có thể tự do rút ra bài học cuộc sống mà mình tâm đắc nhất, vấn đề nghị luận được rút ra cần hợp lí, sát với các gợi ý của đề, sâu sắc, mới lạ. Đó có thể là các bài học sau: phải thay đổi về chất để đạt đến một tầm cao mới chứ không thể chỉ thay đổi về lượng; để đạt được thành công phải sáng tạo trong suy nghĩ, trong cách thức giải quyết vấn đề; phải chờ thời cơ chín muồi để những điều tốt đẹp sẽ đến; những tất yếu trong cuộc đời sẽ giúp ta làm được nhiều thứ;…

Nghị luận về bài học từ câu chuyện Một con sâu bò cả ngày thì có thể di chuyển được 1m

Học sinh cần vận dụng thao tác giải thích đế xác định vấn đề nghị luận.
Ví dụ:

– Con sâu muốn di chuyển được 10 km: tượng trưng cho mong muốn đạt sự thành công một mục tiêu khó khăn nào đó trong cuộc sống.

– Con sâu bò cả ngày thì có thể di chuyển được 1m. Nếu trước khi chết, nó muốn di chuyển được 10 km thì nó sẽ cần 10.000 ngày, tương đương với 30 năm. Vòng đời của sâu không dài như thế. Sâu cũng không thể bò nhanh gấp mấy chục lần mình trong hiện tại để đi được 10 km. Nhưng sâu vẫn có thể đi xa 10 km nếu hóa thành bướm. Tương tự như vậy, con người có thể đạt được những điều mình muốn không phải nhờ cố gắng gấp bội khi đi trên con đường cũ mà nhờ tìm ra một cách thức mới.

b. Bàn luận mở rộng: Hãy nghĩ khác, làm khác, tìm ra phương cách phù hợp nhất để giải quyết vấn đề thay vì đi theo phương cách thông thường.

Học sinh cần chia vấn đề thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận (chứng minh, bình luận,…) để triển khai các luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng cần lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động. Ví dụ:

– Sự cố gắng sẽ mang lại cho con người những kết quả tốt lành. Tuy nhiên nếu chỉ cố gắng hành động mà phương pháp hành động chưa phù hợp thì ta vẫn không thu được kết quả như ý. Không phải con đường nào cũng về đích. Muốn đi đúng hướng và rút ngắn khoảng cách tới đích, ta phải suy xét đê tìm ra phương tiện, cách thức đúng đắn nhất.

– Việc tìm ra phương cách phù hợp phải phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tế.

– Phê phán những người suy nghĩ theo lối mòn, chỉ biết cố gắng mà chưa biết cách thức phù hợp.

c. Bài học nhận thức và hành động: học sinh cần thể hiện các tác động của vấn đề bàn luận đến tư tưởng, nhận thức, hành động của bản thân. Ví dụ:

– Nhận thức được những khó khăn của ước vọng.

– Tìm ra cách thức phù hợp để đi đến đích, tránh lãng phí công sức vô ích.

3. Kết bài: khái quát lại vấn đề và liên hệ bản thân.

Cuộc sống không thiếu những người cần mẫn, nhưng không phải ai cũng biết cách “hóa bướm” để bay cao, bay xa. Câu chuyện về con sâu và hành trình 10km đã nhắc nhở em rằng: nỗ lực là điều cần thiết, nhưng tư duy đổi mới và lựa chọn con đường đúng đắn còn quan trọng hơn. Trong hành trình trưởng thành, em hiểu rằng mình không chỉ cần chăm chỉ mà còn phải biết quan sát, học hỏi và thay đổi. Bởi lẽ, chỉ khi dám bước ra khỏi vỏ kén quen thuộc, chúng ta mới có thể chạm đến những ước mơ lớn lao bằng chính đôi cánh của mình.

Yêu thích

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *