Đề bài: Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) để bàn về hiện tượng sau:
“Một khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me mới đây cho thấy người Việt Nam năm 2023 dành trung bình 6,2 giờ/ ngày cho việc sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), nhưng lại dành 2/3 thời gian chỉ để vào năm ứng dụng mạng xã hội, Facebook vẫn đứng số 1 Việt Nam. Và không có gì lạ khi xuất hiện một “thế hệ cúi đầu”. Họ dành quá nhiều thời gian cho smartphone, cho mạng xã hội, thậm chí ngay cả khi gặp nhau để tương tác trong đời thật như đi cà phê, đi ăn thì hầu như người trẻ gen Z đều “cúi đầu” trước điện thoại và trở thành một cảnh tượng thường thấy”.
(Trích từ Facebook sập và thế hệ “cúi đầu”, Phùng Nguyên, truy cập từ https://dantri.com.vn tam-diem/facebook sap va the he cui dau-20240306163554506.htm, ngày 06/3/2024)
Bài làm
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận
– Giới thiệu vấn để nghị luận: hiện tượng một số bạn trẻ hiện nay nghiện điện thoại thông minh, nghiện thế giới ảo trên các trang mạng xã hội, tạo nên một thế hệ “cúi đầu”.
– Nêu khái quát quan điểm của người viết về vấn đề nghị luận: hiện tượng đáng lo ngại trong xã hội hiện đại.
Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, chiếc điện thoại thông minh đã trở thành vật bất ly thân của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, sự tiện lợi mà công nghệ mang lại cũng đi kèm với những mặt trái đáng lo ngại. Một khảo sát gần đây cho thấy, người Việt Nam dành trung bình hơn 6 giờ mỗi ngày cho smartphone, trong đó phần lớn thời gian chỉ để truy cập mạng xã hội. Điều này làm dấy lên một thực trạng đáng báo động về “thế hệ cúi đầu” – một thế hệ mà hình ảnh cúi mặt vào điện thoại trở thành biểu tượng phổ biến, ngay cả khi đang hiện diện giữa đời sống thật. Hiện tượng này không chỉ phản ánh lối sống lệ thuộc vào công nghệ, mà còn đặt ra những câu hỏi lớn về sự kết nối, sức khỏe tinh thần và những giá trị đang dần bị bỏ quên trong xã hội hiện đại.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận
– Giải thích hiện tượng: hiện tượng một bộ phận các bạn trẻ thuộc thế hệ gen Z dành quá nhiều thời gian hằng ngày cho việc sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) và đặc biệt là truy cập vào các ứng dụng mạng xã hội, chẳng hạn như Facebook. Từ đó dẫn đến hệ quả là họ trở thành một thế hệ nghiện điện thoại thông minh, lúc nào, đi đâu cũng thấy họ “cúi đầu” trước điện thoại, đánh mất dần những kết nối, tương tác trực tiếp trong đời thật.
– Hiện tượng trên đáng lo ngại vì những ảnh hưởng tiêu cực mà điện thoại thông minh và mạng xã hội có thể gây ra cho con người như:
+ Đối với cá nhân: về phương diện thể chất, việc nghiện điện thoại thông minh có thể gây ra những tác hại ảnh hưởng đến thể chất của người dùng như hội chứng đau cổ và tay, thoái hóa cột sống, rối loạn giấc ngủ, thị lực giảm,…, về phương diện tinh thần, việc nghiện điện thoại thông minh có thể khiến giới trẻ quá phụ thuộc vào điện thoại và thế giới ảo của mạng xã hội, lười suy nghĩ, mất dần kết nối trực tiếp với những người xung quanh, dần thu mình trong thế giới của riêng họ và có thể trở nên “cô đơn” ngay chính trong gia đình, trong mối quan hệ với bạn bè, dễ dàng chịu ảnh hưởng từ những suy nghĩ tiêu cực của mạng xã hội,…
+ Đối với xã hội: kết nối giữa các cá nhân trong xã hội dần lỏng lẻo, khiến nhiều bạn trẻ trở nên vô cảm trước những sự việc, đánh mất dần các giá trị thật của cuộc sống; sự tác động tiêu cực từ các nguồn tin không chính thống đến cộng đồng dễ diễn ra nhanh hơn, sâu rộng hơn;…
– Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng điện thoại thông minh và mạng xã hội cũng đem đến những lợi ích cụ thể như: giúp con người kết nối với nhau dễ dàng hơn bất chấp sự khác biệt về không gian địa lí; với thế giới ảo, một số bạn trẻ có thể thoa sức sống với niềm đam mê, bản chất, cá tính của chính mình; giúp con người học tập, cập nhật kiến thức, tin tức dễ dàng, thuận lợi hơn;… Từ đó cho thấy việc sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội là điều không thể tránh trong xã hội hiện đại, nhưng việc lạm dụng chúng trong cuộc sống hằng ngày có thể gây nên những hậu quả khôn lường cho cả cá nhân người dùng và cộng đồng xã hội.
– Giải pháp: cần học cách sử dụng thông minh, chủ động đối với điện thoại và mạng xã hội, tránh phụ thuộc vào chúng để đắm chìm vào thế giới ảo với những điều không hiện hữu mà quên đi những giá trị thật; tăng kết nối, tương tác trực tiếp với các mối quan hệ xã hội; trải nghiệm những hình thức giải trí mới để giảm bớt thời gian “cúi đầu” vào chiếc điện thoại,….
* Kết bài: Khẳng định lại quan điểm của bản thân về vấn đề nghị luận.
Không thể phủ nhận những tiện ích mà điện thoại thông minh và mạng xã hội mang lại trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, khi con người quá phụ thuộc vào chúng, để rồi đánh mất đi những mối quan hệ thật, những trải nghiệm sống chân thực thì đó là điều đáng báo động. “Thế hệ cúi đầu” không chỉ là hệ quả của sự phát triển công nghệ, mà còn là lời cảnh tỉnh về cách con người đang sống, đang tương tác với nhau. Giới trẻ hôm nay cần tỉnh táo và chủ động hơn trong việc sử dụng công nghệ – hãy để điện thoại là công cụ phục vụ cuộc sống, chứ đừng để nó chi phối cuộc sống. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể xây dựng một thế hệ sống tỉnh thức, biết cân bằng giữa thế giới ảo và đời thực, giữa kết nối công nghệ và sự gắn bó con người.