Nghị luận về câu nói của Ainstein: Tôi biết ơn tất cả những người đã nói KHÔNG với tôi

Đề bài: Nhà bác học Albert Ainstein từng nói: “Tôi biết ơn tất cả những người đã nói KHÔNG với tôi. Bởi nhờ họ tôi đã tự mình làm được điều đó”
Anh (chị) hãy trình bày quan điểm của mình về ý kiến trên.

Hướng dẫn làm bài

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề, trích dẫn nhận định

Trong cuộc sống, ai cũng từng ít nhất một lần bị từ chối, từng thất vọng khi lời cầu cứu không được đáp lại. Thế nhưng, chính những lần không nhận được sự giúp đỡ lại có thể trở thành bước ngoặt giúp ta trưởng thành hơn. Nhà bác học Albert Einstein từng nói: “Tôi biết ơn tất cả những người đã nói KHÔNG với tôi. Bởi nhờ họ tôi đã tự mình làm được điều đó.” Câu nói ngắn gọn mà sâu sắc ấy không chỉ phản ánh tinh thần sống tích cực, mà còn gửi gắm một thông điệp quan trọng: đôi khi, chính sự từ chối lại là động lực để con người tự lập, bền bỉ và vươn tới thành công bằng chính đôi chân của mình.

2. Thân bài

a.Giải thích

– Biết ơn: thái độ chỉ sự cảm kích, trân trọng với việc người khác làm cho mình

– Nói KHÔNG: là sự từ chối, không giúp đỡ

– Tự mình làm được điều đó : Tự mình nghĩ ra cách giải quyết vấn đề, giải quyết khó khăn mà không cần dựa dẫm vào sự giúp đỡ của người khác

-> Như vậy có thể hiểu ý kiến đã cho thấy một cách ứng xử một cách đúng mực, nhân văn khi bị người khác từ chối giúp đỡ, thay vì sự oán trách, ghét bỏ lại là thái độ biết ơn vì chính nhờ sự từ chối đó đã giúp cho mỗi người biết tự mình tìm cách giải quyết những vấn đề của chính mình. Từ đó có thể thấy trong ý kiến này nhà bác học Albert Ainstein đã cho thấy tác động tích cực của việc từ chối giúp đỡ người khác và cách ứng xử nên có khi bị từ chối.

Nghị luận về câu nói của Ainstein: Tôi biết ơn tất cả những người đã nói KHÔNG với tôi

b. Bình luận

(Học sinh cần đưa ra được chính kiến của cá nhân về tư tưởng này : đồng ý hay không đồng ý. Mọi ý kiến đều được chấp nhận miễn là học sinh có lập luận chặt chẽ, dẫn chứng hợp lý để chứng minh cho quan điểm của mình.)

– Học sinh cần khẳng định đây là một quan điểm bổ ích và sâu sắc.

– Học sinh cần dùng lý lẽ, dẫn chứng để chứng minh cho nhận định. Có một vài gợi ý như sau:

+ Việc từ chối giúp đỡ một ai đó trong cuộc sống không phải lúc nào cũng là xấu, là ích kỉ, đáng lên án mà nhiều khi mang ý nghĩa tích cực. Bởi khi ta nói không, từ chối giúp đỡ một ai đó sẽ khiến họ không thể ỉ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác từ đó tìm cách giải quyết vấn đề. Quá trình tự xoay sở sẽ giúp họ hình thành tính độc lập, đánh thức khả năng sáng tạo, đưa ra những ý tưởng, phương án để giải quyết được vấn đề hoặc rút ra được bài học để đến gần hơn với thành công.

+ Nếu chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác, chúng ta sẽ vĩnh viễn trở thành cây tầm gửi không thể tồn tại độc lập, không đánh thức được khả năng sáng tạo trong bản thân và mọi khó khăn dù nhỏ đến lớn đều có thể khiến ta gục ngã.

+ Khi tiếp nhận lời nói KHÔNG- sự từ chối của người khác cần có thái độ tích cực. Thay vì oán trách thì hãy tự mình nỗ lực, chủ động để giải quyết vấn đề. Thái độ này vừa không khiến cho mối quan hệ giữa mọi người trở nên xấu đi, vừa biến khó khăn thành động lực, thành lực đầy để nỗ lực vượt qua.

c/ Bàn luận mở rộng:

Học sinh cần lật xuôi, lật ngược vấn đề để bàn luận và rút ra bài học cho bản thân.

– Cần nhận thấy, biết nói không, biết từ chối có thể mang đến hiệu quả tuy nhiên cần phải HỌC cách từ chối sao cho hiệu quả và tế nhị, tránh làm tổn thương người đang gặp khó khăn, tránh đẩy họ đến sự tuyệt vọng. Biết từ chối và biết giúp đỡ là hai mặt của một vấn đề, cần được sử dụng một cách khôn ngoan để tránh vào việc trở nên vô tâm, vô cảm hay lòng tốt đặt không đúng lúc đúng chỗ.

– Để tiếp nhận lời nói không, lời từ chối của người khác là điều không hề dễ dàng. Mỗi người cần có bản lĩnh để đón nhận, tránh thái độ tiêu cực, suy sụp hay thù oán mà cần phải nỗ lực để tự mình giải quyết khó khăn.

– Học sinh cần liên hệ bản thân để rút ra những bài học về nhận thức cũng như hành động đối với việc học cách từ chối và tiếp nhận lời từ chối. Đây là phần cần được đánh giá cao : khuyến khích những cảm xúc chân thành, những câu chuyện cảm động, chân thực của bản thân học sinh về cuộc sống của chính mình.

3. Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa việc sống độc lập, có bản sắc cá nhân.

Câu nói của Albert Einstein là một lời nhắc nhở sâu sắc về giá trị của sự độc lập và nghị lực sống. Không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận một lời từ chối, nhưng nếu đủ bản lĩnh để nhìn nhận vấn đề một cách tích cực, chúng ta sẽ thấy rằng nhờ những lần bị khước từ, ta mới có cơ hội để rèn luyện bản thân, phát triển nội lực và khẳng định chính mình. Trong hành trình trưởng thành, mỗi người đều cần học cách từ chối khéo léo và tiếp nhận lời từ chối bằng một trái tim mạnh mẽ. Với em, đây là bài học quý giá để biết trân trọng mọi trải nghiệm, kể cả những lần bị từ chối, bởi đó cũng là một phần không thể thiếu giúp em hoàn thiện bản thân và sống có bản sắc riêng.

Yêu thích

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *