Đề bài: Nghị luận về câu nói “Người sống nhiều nhất không phải là người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất” trong bài văn dưới đây.
Hãy luôn tâm niệm rằng, cuộc sống, thực chất là một cuộc trải nghiệm lớn, mà trong đó bạn phải đi tìm những mảnh ghép là những trải nghiệm nhỏ để từ đó ghép nên cuộc đời mình. Khi tâm niệm cuộc đời chỉ là một cuộc trải nghiệm, bạn sẽ không quá áp lực trước mọi sự lựa chọn của mình trong cuộc đời. Đó là cuộc chơi, không ai thắng và cũng không ai thua cả, vì suy cho cùng, ai cũng phải đến lúc giã từ cuộc sống, nhưng người may mắn hơn, là người sống được nhiều hơn những người khác. Sống được nhiều hơn không có nghĩa là sống lâu hơn mà là sống được nhiều khoảnh khắc hơn trong đời, như Jean Jacques Rousseau nói: “Người sống nhiều nhất không phải là người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất”.
Mục tiêu của thế hệ trẻ, có lẽ nên thay đổi ngay việc sống sung sướng hơn, sống tốt hơn, sống lâu hơn, thành “sống nhiều hơn”, thế là đủ.
Nhưng làm thế nào để sống nhiều hơn? Cách duy nhất là hãy biến từng phút giây có thể đều trở nên ý nghĩa và giải pháp là hãy không ngừng đặt bản thân vào tâm thế sẵn sàng trải nghiệm mọi thứ xung quanh mình, đừng ngại ngùng, đừng lười biếng, đừng sợ hãi.
Còn làm thế nào để trải nghiệm cuộc sống ư? Hãy thay suy nghĩ bằng hành động, thay lời nói bằng hành động, hành động ngay đi thôi. Hãy ngưng nói mà làm, ngưng suy tính quá kĩ càng, ngưng nghi ngờ và sợ hãi. Như Steve Job nói câu nổi tiếng nhất: “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”. Henry David Thoreau nói:
“Những người trẻ tuổi học sống thế nào nếu không phải là ngay lập tức thử trải nghiệm cuộc sống?”.
(Không có trải nghiệm, tuổi trẻ không đáng một xu – Phi Tuyết, đăng trên Facebook của tổ chức cộng đồng Volunteer For Educaition, 07/01/2015)
Hãy viết bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về câu nói của Jean Jacques Rousseau: Người sống nhiều nhất không phải là người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất.
Hướng dẫn làm bài
1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận : Người sống nhiều nhất không phải là người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất.
Cuộc sống không chỉ được đo bằng số năm tồn tại, mà quan trọng hơn là cách con người tận hưởng và trải nghiệm nó. Có những người tuy sống lâu nhưng chỉ tồn tại một cách thụ động, trong khi có những người dù thời gian ngắn ngủi nhưng đã sống trọn vẹn với những trải nghiệm phong phú. Chính vì vậy, “người sống nhiều nhất không phải là người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất” – một quan điểm sâu sắc về giá trị của cuộc sống.
2. Thân bài
a. Giải thích:
– Hiểu được nội dung câu nói: Tác giả đưa ra một thước đo về giá trị cuộc sống của con người – không phải được tính bằng thời gian tồn tại của người đó trong cõi đời (số lượng) mà là bằng những gì người đó tự mình trải qua và cảm nhận cuộc sống (chất lượng) để từ đó cỗ vũ cho lối sống tích cực trải nghiệm.
b.Bàn luận:
– Người sống nhiều nhất không phải là người sống lâu năm nhất bởi: sống lâu mà sống tẻ nhạt, thụ động, dựa dẫm,…thì chỉ là tồn tại, cuộc sống không ý nghĩa.
– Người sống nhiều nhất là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất bởi: trải nghiệm cho con người lối sống tích cực, chủ động và cuộc sống tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Ví dụ:
– Khi có nhiều trải nghiệm, con người được sống cuộc sống phong phú hơn: được sống nhiều cuộc đời, trải qua nhiều cảnh ngộ, nhiều tình huống, nhiều tâm trạng,…
– Khi trải nghiệm, con người được mở mang về trí tuệ, rèn luyện về kĩ năng, thái độ để nâng cao chất lượng cuộc sống.
– Khi trải nghiệm, con người được sống là mình, sống cuộc sống của mình, sống có ý nghĩa.
c. Mở rộng
– Đề cao sự trải nghiệm cuộc sống song cũng cần trang bị cho mình những kiến thức và kĩ năng cơ bản, thái độ sống đúng đắn.
– Không sống thụ động, buồn tẻ song cũng không nên có những trải nghiệm liều lĩnh không phù hợp với lứa tuổi, khi chưa có điều kiện phù hợp,…
– Bàn luận ngược: những người sống thụ động, không bao giờ trải nghiệm…?
– Bài học: Hiểu ý nghĩa đúng đắn của trải nghiệm và tăng cường trải nghiệm để tăng thêm giá trị sống cho bản thân.
3. Kết bài
– Khái quát vấn đề cần nghị luận, liên hệ bản thân.
Trải nghiệm chính là thước đo chất lượng cuộc sống, giúp con người trưởng thành, mở mang tri thức và tìm thấy ý nghĩa thực sự của cuộc đời. Để sống một cuộc đời đáng giá, mỗi người cần chủ động khám phá, học hỏi và không ngừng trau dồi bản thân. Chỉ khi dám bước ra khỏi vùng an toàn, ta mới thực sự “sống” chứ không chỉ đơn thuần là “tồn tại”.