Nghị luận về cho và nhận qua câu chuyện Tiếng vọng rừng sâu

Đề bài: Nghị luận về cho và nhận qua câu chuyện Tiếng vọng rừng sâu

TIẾNG VỌNG RỪNG SÂU

Có một cậu bé ngỗ nghịch hay bị mẹ khiển trách. Ngày nọ giận mẹ, cậu chạy đến một thung lũng cánh rừng rậm. Lấy hết sức mình, cậu thét lớn: “Tôi ghét người”. Khu rừng có tiếng vọng lại: “Tôi ghét người”. Cậu bé hốt hoảng quay về, sà vào lòng mẹ khóc nức nở. Cậu bé không sao hiểu được từ trong rừng lại có tiếng người ghét cậu.
Người mẹ cầm tay con, đưa cậu trở lại khu rừng. Bà nói: “Giờ thì con hãy hét thật to: Tôi yêu người”. Lạ lùng thay, cậu bé vừa dứt tiếng thì có tiếng vọng lại: “Tôi yêu người”. Lúc đó, người mẹ mới giải thích cho con hiểu: “Con ơi, đó là định luật trong cuộc sống của chúng ta. Con cho điều gì, con sẽ nhận điều đó. Ai gieo gió thì ắt gặt bão. Nếu con thù ghét người thì người cũng thù ghét con. Nếu con yêu thương người thì người cũng yêu thương con”.

(Theo Quà tặng cuộc sống. NXB Trẻ, 2002)

Suy nghĩ của anh (chị) về ý nghĩa câu chuyện trên.

Hướng dẫn làm bài

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận:

– Trong cuộc sống mỗi chúng ta đều tồn tại cái thiện và cái ác, có khi nào một ai đó làm điều ác mà đêm về không gặp ác mộng, có ai đó làm việc tốt xong mà không thầm cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc trong lòng.

– Hãy nhớ rằng cho điều gì sẽ nhận được điều đó, ai gieo gió thì sẽ gặp bão, ta thù gét người thì người cũng sẽ thù gét ta, ta yêu thương người thì người cũng sẽ yêu thương ta.

– Đưa ra câu chuyện “Tiếng vọng rừng sâu”

Trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều mang trong mình cả thiện lẫn ác, và chính hành động của ta quyết định điều gì sẽ quay trở lại với mình. Có bao giờ một người làm việc ác mà tâm hồn thanh thản, không bị ám ảnh? Ngược lại, có ai làm việc tốt mà không cảm thấy niềm vui len lỏi trong tim? Quy luật nhân quả luôn hiện hữu: gieo gió thì gặp bão, trao yêu thương thì nhận lại yêu thương. Câu chuyện “Tiếng vọng rừng sâu” chính là một minh chứng sinh động cho chân lý ấy, nhắc nhở ta về giá trị của tình yêu thương và lòng bao dung trong cuộc đời.

2. Thân bài

a. Tóm tắt nội dung câu chuyện:

– Câu chuyện đề cập đến mối quan hệ giữa cho và nhận trong cuộc sống.

– Khi con người trao tặng người khác tình cảm gì thì cũng nhận lại tình cảm đó.

– Đây là mối quan hệ nhân quả và là quy luật có tính tất yếu của cuộc sống.

b. Bình luận

* Giải thích định luật cuộc sống

– Cho điều gì sẽ nhận điều ấy.

– Mối quan hệ cho và nhận rất phong phú bao gồm cả vật chất và tinh thần.

– Mối quan hệ này không phải lúc nào cũng ngang bằng nhau trong cuộc sống: Có khi ta cho nhiều nhưng nhận ít và ngược lại.

– Mối quan hệ giữa cho và nhận không phải bao giờ cũng là mình cho người nào thì nhận lại của người đó, mà nhiều khi nhận ở người mình chưa hề cho.

– Khi cho, cái mình nhận có khi là sự bằng lòng với chính mình, là sự hoàn thiện hơn nhân cách làm người của mình trong cuộc sống.

– Nếu làm điều gì không tốt, ích kỉ, vụ lợi hay hành động vì động cơ xấu sẽ phải nhận những gì đã gieo. Đó là sự không thanh thản trong tâm hồn, hay những hành động không tốt do người khác đáp lại. Như vậy, chính mình hại mình.

– Thương yêu, tốt với người sẽ được người yêu thương, đối xử tốt.

* Chứng minh định luật cho và nhận bằng dẫn chứng (lồng các dẫn chứng vào)

*  Bình luận vấn đề

– Đây là ý kiến đúng và có ý nghĩ sâu sắc.

– Nó hướng con người đến cuộc sống tốt, cao đẹp, giàu yêu thương, có trách nhiệm trước ứng xử bản thân với cộng đồng.

– Tuy nhiên đôi khi cho và nhận không phải lúc nào cũng tương ứng nhưng không vì thế mà tính toán trong cuộc sống. Sống tốt phải là bản chất tự nhiên, không gượng ép.

– Hận thù lúc nào cũng kéo theo hận thù, bạo động lúc nào cũng sinh ra bạo động. Chỉ có tình yêu mới làm phát sinh tình yêu. Chính vì thế hãy lấy tình yêu để đáp trả thù hận. Tiếng vọng cao đẹp nhất của một nghĩa cử yêu thương lúc nào cũng là tiếng vọng của sự bình an trong tận đáy tâm hồn chúng ta.

c. Bàn luận mở rộng:

– Câu chuyện khuyên chúng ta:

+ Con người phải biết cho cuộc đời này những điều tốt đẹp nhất : đó là sự yêu thương, trân trọng, cảm thông giúp đỡ lẫn nhau chứ không phải cho nhận vì mục đích vụ lợi…

+ Con người cần phải biết cho nhiều hơn là nhận lại ; phải biết cho mà không trông chờ đáp đền.

– Vấn đề dặt ra trong câu chuyện là bài học lớn về một lối sống đẹp : sống nhân ái, luôn bao dung và yêu thương với cuộc đời.

– Rút ra bài học cho bản thân.

– Cuộc sống trao trả cho chúng ta những gì chúng ta ban phát. Cuộc sống là một tấm gương phản chiếu những hành động của chúng ta. Nếu muốn được yêu thương, thì phải biết thương yêu, nếu muốn được đối xử tử tế thì phải sống tử tế, nếu muốn được cảm thông và kính trọng thì phải biết thông cảm và tôn trọng, nếu muốn được người khác khoan dung và độ lượng với mình thì chính bản thân phải sống khoan dung và hào hiệp. Quy luật này áp dụng cho mọi khía cạnh đời sống.

3. Kết bài

– Khái quát vấn đề cần nghị luận, liên hệ bản thân.

Câu chuyện “Tiếng vọng rừng sâu” đã gửi gắm một bài học sâu sắc: cuộc sống là sự phản chiếu những gì ta trao đi. Ai biết yêu thương sẽ được yêu thương, ai sống tử tế sẽ nhận về sự tử tế. Ngược lại, nếu ta sống ích kỷ, ganh ghét thì chỉ chuốc lấy những điều tiêu cực. Bài học ấy không chỉ giúp ta hướng tới một cuộc sống đẹp hơn mà còn nhắc nhở bản thân mỗi người hãy luôn biết cho đi mà không mong cầu, vì chính điều đó mới làm nên giá trị thực sự của cuộc sống.

Yêu thích

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This will close in 0 seconds