Đề bài: Ở một thị trấn nhỏ của nước Anh đã xảy ra một vụ cướp ngân hàng, tên cướp không cướp được tiền mà lại bị bao vây chặt bên trong. Hắn ta bắt một em bé 5 tuổi và yêu cầu cảnh sát phải chuẩn bị cho mình một khoản tiền lớn cùng một chiếc ô tô, nếu không hắn sẽ nổ súng giết con tin. Phía cảnh sát cử một chuyên gia đến đàm phán, tuy nhiên tên cướp vẫn ngoan cố không chịu đầu hàng. Khi thấy tên cướp có ý định giết con tin, phía cảnh sát đã nổ súng bắn tỉa, tên cướp kêu lên một tiếng rồi ngã lăn xuống đất. Cậu bé nhìn thấy những vết máu và nghe thấy tiếng súng nên sợ hãi khóc thất thanh. Người đàn ông nhanh chóng chạy lại ôm cậu bé vào lòng. Các hãng thông tin truyền thông vừa kịp kép đến ùn ùn, đúng lúc đó, mọi người chợt nghe tiếng người đàn ông hô to:“Tốt lắm, diễn tập đến đây là kết thúc!”.
Cậu bé nghe xong liền ngừng khóc và hỏi mẹ có phải như thế không. Mẹ cậu bé kìm nén nước mắt và gật đầu. Một viên cảnh sát khác cũng đi đến bên cạnh cậu bé và an ủi: “Cháu diễn tốt lắm, cháu xứng đáng được khen thưởng”. Những ngày sau đó, giới truyền thông đều im lặng, không ai nói một lời về vụ cướp bởi họ từ hiểu rằng, đó là cách tốt nhất để bảo vệ tâm hồn cậu bé!.
Nhiều năm sau, có một người đàn ông trung niên đến tìm gặp và hỏi người đàn ông năm xưa cứu cậu bé: “Tại sao trong lúc ấy, ông lại hô lên như vậy ạ?”. Ông cười và trả lời: “Khi tiếng súng vang lên, tôi nghĩ rất có thể cậu bé sẽ bị ám ảnh cả đời vì chuyện đáng sợ như thế này. Nhưng khi tôi tới gần cậu bé hơn thì dường như Thượng đế đã gợi ý cho tôi và thế là tôi thốt lên câu “Diễn tập kết thúc!”. Lúc này, người đàn ông trung niên bật khóc và ôm chầm lấy ông: “Con chính là đứa trẻ năm xưa đây ạ, con đã bị nói dối suốt 30 năm qua, mãi cho tới gần đây, mẹ của con mới nói rõ sự thật cho con biết. Con cảm ơn bác, cảm ơn bác đã cho con một cuộc đời lành mạnh!”.
(Nguồn Internet)
Từ ý nghĩa câu chuyện trên anh/chị hãy viết một bài văn với chủ đề: Đừng làm tổn thương trái tim em bé.
Bài làm
1. Phân tích nội dung câu chuyện
-Tình huống truyện: kịch tính, căng thẳng, cách xử lí tình huống đầy tính nhân văn của viên cảnh sát và những người xung quanh để bảo vệ tâm hồn của đứa trẻ.
-Đứa bé đã lớn lên với một nhân cách lành lặn, trở thành một người sống có tình nghĩa, hiểu thấu đáo mọi chuyện
=> Câu chuyện đem đến cho chúng ta thông điệp: không được gây nên những nỗi đau, những tổn thương cho những tâm hồn trẻ nhỏ, phải nâng niu, che chở, tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho trẻ thơ, thức tỉnh mỗi người về một lối sống, một cách nghĩ nhân văn: đừng làm tổn thương trái tim em bé.
2. Phân tích, bình luận vấn đề
a. Giải thích:
-Làm tổn thương là gây nên những nỗi đau cho người khác về cả thể xác lẫn tinh thần. Ở đây nhấn mạnh những nỗi đau về tinh thần của trẻ nhỏ.
-Mệnh đề là một thông điệp kêu gọi mọi người hãy suy nghĩ và có những hành động đúng đắn khi ứng xử với trẻ thơ: đừng gây nên những vết thương trong tâm hồn trẻ nhỏ, hãy biết nâng niu và trân trọng, che chở và tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ thơ hình thành và phát triển nhân cách.
b. Phân tích:
– Vì sao không được làm tổn thương trái tim em bé
+ Vì tâm hồn trẻ thơ trong sáng, hồn nhiên và dễ bị ám ảnh, dễ bị làm tổn thương
+ Khi có một tâm hồn lành lặn, trẻ thơ sẽ phát triển và có nhân cách lành lặn.
+ Biết nâng niu trân trọng bảo vệ tâm hồn trẻ thơ là thái độ và hành động nhân văn cần có trong cuộc sống. Nó là thước đo sự phát triển và sự văn minh của một cộng đồng xã hội.
– Làm tổn thương trái tim em bé sẽ gây nên những hậu quả khôn lường:
+ Khi tâm hồn bị tổn thương, những đứa trẻ sẽ bị ám ảnh suốt những năm tháng tuổi thơ. Làm cho trẻ thơ bị ám ảnh bởi những điều không tốt là tỗi lỗi của người lớn bởi trẻ thơ có quyền được chăm, nâng niu.
+ Khi tâm hồn bị tổn thương, những đứa trẻ lớn lên sẽ dễ gây tổn thương cho người khác bởi đây là một quy luật tâm lý. Tâm hồn bị tổn thương ngay từ khi còn nhỏ sẽ là mầm mống cho sự phát triển lệch lạc về nhân cách khi trưởng thành. Đứa trẻ lớn lên sẽ khó hoàn thiện nhân cách thậm chí trở thành mối nguy hại cho xã hội
+ Làm tổn thương trái tim em bé sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của xã hội. Bởi trẻ em là tương lai của đất nước, là mùa xuân của xã hội.
(Học sinh cần lấy các dẫn chứng phù hợp để làm sáng tỏ các ý nêu trên)
c. Bàn luận mở rộng:
– Phê phán những thái độ, hành động ngược đãi trẻ thơ, làm tổn thương tâm hồn trẻ thơ. Hiện tượng này đang diễn ra ngày càng phổ biến và nhức nhối trong xã hội ngày nay.
– Không làm tổn thương trái tim em bé không đồng nghĩa với việc quá bao bọc, che chở trẻ thơ vì như vậy sẽ tạo ra tâm lí ỷ lại, dựa dẫm, khiến trẻ thơ không phát triển một cách vững vàng, tự lập…
3. Bài học về nhận thức và hành động
– Trân trọng nâng niu biết ơn những gì mà người khác đã làm cho mình để mình có một tâm hồn lành lặn trong những năm tháng tuổi thơ.
– Hiểu, cảm thông với những nỗi đau của những tâm hồn trẻ thơ bị tổn thương, từ đó bồi đắp cho mình những tình cảm nhân văn để có nhận thức đúng, thái độ đúng và có những hành động nhân văn trong cuộc sống.