Đề bài: Em hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) về “hội chứng teen cuồng thần tượng” hiện nay.
Bài làm
*Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm cá nhân về vấn đề.
*Triển khai vấn đề nghị luận
– Giải thích vấn đề nghị luận
– Thể hiện quan điểm của người viết về vấn đề cần nghị luận
Có thể theo một số gợi ý sau:
1. Giải thích
– Thần tượng là nhân vật mang một tài năng, phẩm chất đặc biệt nào đó khiến con người yêu mến, say mê và có xu hướng noi theo.
– “Hội chứng teen cuồng thần tượng”: là biểu hiện một bộ phận giới trẻ có ngưỡng mộ, say mê một cách thái quá, cực đoan, không kiểm soát được cảm xúc với các thần tượng, gây ra hình ảnh xấu cho bản thân, làm lệch lạc lối sống và nhân cách…
2. Thực trạng của vấn đề
– Thần tượng của giới trẻ hiện nay thường là những ngôi sao giải trí được đào tạo bài bản, có tài năng nghệ thuật và có cả những phẩm chất đáng quý. Họ cũng phải học tập, họ cũng phải rèn luyện, thậm chí chịu vô vàn áp lực từ mọi phía. Và trong rất nhiều trường hợp, những phẩm chất đáng quý, những nét đẹp tâm hồn đó của họ lại chính là động lực, là tấm gương cho những người hâm mộ, thần tượng họ.
– Những thể hiện:
+ bắt chước phong cách (trang phục, kiểu tóc, quan điểm sống; cách phát ngôn; cử chỉ hành vi và nhái giọng/phong cách);
+ Tôn thờ thần tượng (treo tranh ảnh; mua các vật có liên quan; tìm đọc thông tin trên mạng; kết nối với các fans khác; tìm các vật dụng cá nhân: chai nước uống dở, xăm tên lên người…)
+ Tìm hiểu say mê kiến thức, tri thức về thần tượng đó (các sản phẩm nghệ thuật; tham gia các buổi biểu diễn; không bỏ lỡ các chương trình trên truyền thông, nhớ giai điệu, nhớ lời các bài hát…).
+ Những cảm xúc cực đoan nảy sinh: Gào thét, khóc lóc, hồ hào, ngất xỉu khi thấy thần tượng. Tự hành hạ bản thân mình vì thần tượng: khắc tay mình, cắt tay mình lấy máu để ghi tên thần tượng. Tự tử khi thần tượng qua đời, hoặc bị ngăn cấm đến với thần tượng. Sẵn sàng bỏ thời gian, công sức để đợi thần tượng ở bất kỳ đâu trong bất kỳ hoàn cảnh thời tiết nào…
VD: Tâm sự của một fan nữ nhóm nhạc Big Bang: “Tôi cũng từng đánh nhau với một nhóm 6 bạn trai, vì các bạn nói xấu Big Bang- thần tượng của tôi. Khi đó, tôi cầm kiếm để tuyên chiến với mấy bạn trai. Cuối cùng nhóm này bỏ chạy.”
3. Hậu quả
– Làm xấu hình ảnh bản thân trước mọi người, thậm chí trở nên kì quặc và bị xa lánh. Không biết kiểm soát cảm xúc của bản thân có thể mất đi tiền bạc, công việc, những mối quan hệ mà ta từng rất trân trọng hay thậm chí chính là tính mạng của bản thân và những người xung quanh.
– Một người không biết kiểm soát được cảm xúc, dễ bốc đồng cũng rất khó có thể kiên trì, thành công trong một việc nào đó.
– Gây tổn thương cho người khác.
– Cuồng thần tượng có thể chỉ biểu hiện trong bối cảnh cá nhân nhưng cũng có thể xuất hiện cả trong bối cảnh tập thể. Không ít các trường hợp một số cá nhân đã vô tình hay cố ý kích động các cá nhân cuồng thần tượng và kết quả là những hành vi của họ đã trở thành những cuộc nổi loạn, gây mất trật tự an ninh làm thiệt hại về tài sản và tính mạng.
4. Nguyên nhân
– Nguyên nhân khách quan:
+ Do cha mẹ quá nuông chiều, ít dành thời gian tìm hiểu, quan tâm đến con.
+ Do môi trường sống: Ở thành phố, các em có điều kiện, được giao lưu với văn hóa bên ngoài nhiều hơn, tham gia nhiều hoạt động, internet phát triển, có cơ hội tìm hiểu, theo đuổi đam mê thần tượng. Còn ở nông thôn, các em phải giúp đỡ gia đình nên ít có thời gian, điều kiện để nảy sinh hiện tượng lệch lạc thần tượng.
+ Do sức ép học tập từ phía gia đình, nhà trường lên học sinh rất lớn. Nhiều em thấy học là vì cha mẹ ép chứ không phải cho chính mình nên không hứng thú. Trong khi đó, thế giới giải trí lại có nhiều hấp dẫn, trẻ mong muốn được như thần tượng, theo đuổi sở thích cá nhân, thoải mái vui chơi, ăn mặc đẹp…
+ Ngoài xã hội lại ít có những hình tượng mẫu mực trong các lĩnh vực để giới trẻ ngưỡng mộ, trong khi nhiều phương tiện truyền thông tập trung tung hô những ca sĩ, diễn viên nổi tiếng nên càng khiến giới trẻ bị lệch lạc.
– Nguyên nhân chủ quan:
Do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi: muốn thể hiện bản thân và muốn tạo sự khác biệt, cần tìm những tâm hồn đồng cảm với mình. Luôn hứng thú với thứ gì đó mạnh mẽ khi không tìm được những điều trong cuộc sống của mình như gia đình, trường học, bạn bè, họ có thể phải bám vào cái gì đó khác, như một thần tượng hào nhoáng, game…
– Do tâm lý đám đông, sính ngoại thái quá và méo mó trong nhận thức về cái được gọi là thần tượng.
– Không được trang bị những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống, thiếu sự tự tin về bản thân, không xây dựng được hình ảnh của chính mình, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố hấp dẫn bên ngoài, từ đó không biết phân biệt chọn lựa thần tượng cho chính mình.
5. Biện pháp khắc phục
– Sống lành mạnh, nhìn khác đi, mở rộng thêm những niềm vui và tập thói quen yêu thích lành mạnh
– Bản thân trau dồi kiến thức, hiểu biết xã hội đa chiều để tránh cái nhìn phiến diện, bảo thủ.
– Phát huy tính tự chủ, sáng tạo, xây dựng hình ảnh bản thân phù hợp với tính cách.
* Khẳng định lại vấn đề:
– Khẳng định lại sự cần thiết phải quan tâm, giải quyết vấn đề
– Nêu thông điệp, kêu gọi mọi người hưởng ứng việc thực hiện những biện pháp nêu trên: cuồng thần tượng thì thực sự là một “thảm họa” văn hoá.