Đề bài: Nghị luận về lòng nhân ái qua câu chuyện Người ăn xin.
NGƯỜI ĂN XIN
Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi. Ông chìa tay xin tôi.
Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết. Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của ông:
– Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả.
Ông nhìn tôi chăm chăm, đôi môi nở nụ cười:
– Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.
Khi ấy, tôi chợt hiểu ra: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được cái gì đó của ông.
(Tuốc-ghê-nhép, dẫn theo Ngữ văn 9, tập Một, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2005, trang 22).
Suy nghĩ của anh (chị) khi đọc xong câu chuyện trên
Hướng dẫn làm bài
1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
Tình thương giữa con người với con người giống như ánh sáng ấm áp xua tan lạnh lẽo, giúp chúng ta vượt qua những đau khổ trong cuộc đời. Mỗi người sinh ra đều cần tình yêu thương và lòng nhân ái để cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Câu chuyện Người ăn xin của Tuốc-ghê-nhép không chỉ ca ngợi sự sẻ chia mà còn gửi gắm bài học sâu sắc về cách ứng xử đầy nhân văn trong cuộc sống: đôi khi, một lời nói chân thành hay một cử chỉ ân cần cũng là món quà vô giá.
2. Thân bài
a. Tóm tắt nội dung câu chuyện:
*Tóm tắt: Câu chuyện kể về một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa một người ăn xin đã già yếu và một cậu bé nhưng họ đã cùng học được từ nhau, nhận được từ người kia những “món quà” vô giá. Dù cậu bé “không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết” nhưng những lời nói, cử chỉ của cậu với ông lão “đã cho lão rồi” và cậu “cũng vừa nhận được điều gì đó từ ông”.
=> Ý nghĩa được gợi ra từ câu chuyện: từ hành động cho và nhận của anh thanh niên và người ăn xin, truyện đã ngợi ca cách ứng xử cao đẹp, nhân ái giữa con người với con người trong cuộc sống.
– Thái độ sống, cách ứng xử của con người với con người: Câu chuyện “Người ăn xin” là lời khuyên về cách sống, thái độ sống của mỗi con người trong cuộc đời:
+ Sự đồng cảm, tình yêu thương chân thành và cách ứng xử lịch sự là món quà quý giá mà ta tặng cho người khác.
+ Và khi trao món quà tinh thần ấy cho người khác thì ta cũng nhận được món quà quí giá như vậy.
b. Bàn luận:
– Câu chuyện gợi suy cho chúng ta suy nghĩ về cuộc sống và cách ứng xử của con người trong xã hội hiện tại
+ Biểu hiện đẹp: Con người biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống (truyền thống tương thân, tương ái, đức hi sinh, biết sống vì người khác, có trách nhiệm…).
– Lời khuyên về cách sống và thái độ sống đối với mọi người:
+ Đồng cảm, sẻ chia, học cách quan tâm và ứng xử tốt đẹp, có văn hoá để cuộc sống tốt đẹp hơn.
+ Câu chuyện có tác dụng giáo dục lòng nhân ái cho mỗi chúng ta.
– Truyện gợi cho ta nhiều suy ngẫm về việc cho và nhận trong cuộc sống: Cái cho và nhận là gì? Đâu phải chỉ là vật chất, có thể là giá trị tinh thần, có khi chỉ là một câu nói, một cử chỉ hành động hoặc việc làm, một lời động viên chân thành nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn lao… nhưng quan trọng nhất chính là thái độ khi cho và nhận cần phải chân thành, có văn hoá.
– Bàn luận ngược: Bên cạnh đó có một bộ phận cá nhân trong xã hội còn thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, sống hưởng thụ hoặc có thái độ khinh miệt đối với những con người nghèo khổ trong xã hội -> cần lên án loại bỏ những hành động và suy nghĩ đó.
c. Mở rộng vấn đề
– Đánh giá nội dung câu chuyện: có ý nghĩa sâu sắc, như một thông điệp về cách ứng xử của con người trong cuộc sống.
– Mở rộng nâng cao vấn đề : Câu chuyện là bài học về kĩ năng sống, hàng trang cho mỗi người về cách “cho” và “nhận” (đặc biệt là thế hệ trẻ – qua cách ứng xử của anh thanh niên trong câu chuyện).
3. Kết bài
– Khái quát vấn đề cần nghị luận.
– Liên hệ bản thân: Xác định thái độ sống và cách ứng xử của bản thân: tôn trọng, quan tâm, chia sẻ với mọi người…
Câu chuyện Người ăn xin nhắc nhở chúng ta rằng, trong cuộc sống, sự sẻ chia không chỉ nằm ở vật chất mà còn đến từ những giá trị tinh thần giản dị nhưng cao quý. Khi trao đi sự quan tâm, yêu thương chân thành, ta cũng nhận lại được niềm vui và hạnh phúc. Bản thân em cũng sẽ luôn cố gắng rèn luyện lòng nhân ái, biết quan tâm, tôn trọng và sẻ chia với những người xung quanh, bởi một thế giới tốt đẹp hơn bắt đầu từ chính những hành động nhỏ bé của mỗi người.