Đề bài: Nghị luận về sự ảo tưởng của bản thân qua câu chuyện Chim Én và Dế Mèn
Câu chuyện về Chim Én và Dế Mèn
Mùa xuân đất trời đẹp. Dế Mèn thơ thẩn ở cửa hang, hai con chim Én thấy tội nghiệp bèn rủ Dế Mèn dao chơi trên trời. Mèn hốt hoảng. Nhưng sáng kiến của Chim Én rất giản dị: hai Chim Én ngậm hai đầu của một cõng cỏ khô. Mèn ngậm vào giữa. Thế là cả ba cùng bay lên. Mây nồng nàn, đất trời gợi cảm, cỏ hoa vui tươi .
Dế Mèn say sưa. Sau một hồi lâu miên man Mèn ta chợt nghĩ bụng:Ơ hay, việc gì ta phải gánh hai con én này trên vai cho mệt nhỉ. Sao ta không quẳng gánh nợ này đi để dạo chơi một mình có sướng hơn không ? Nghĩ là làm. Nó bèn há mồm ra và nó rơi vèo xuống đất như một chiếc lá lìa cành.
(Mục “Trò chuyện đầu tuần” của báo Hoa học trò)
Viết bài văn ngắn suy nghĩ về vấn đề rút ra từ câu chuyện.
Hướng dẫn làm bài
1. Mở bài
Trong hành trình trưởng thành, mỗi người đều có những trải nghiệm và bài học quý giá giúp họ nhận ra giá trị thực sự của cuộc sống. “Câu chuyện về Chim Én và Dế Mèn” không chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn thú vị mà còn gửi gắm thông điệp sâu sắc về cách sống: đừng quá ảo tưởng về bản thân và hãy tránh xa lối sống ích kỷ, toan tính. Qua câu chuyện, ta nhận ra rằng sự hợp tác, chia sẻ và lòng biết ơn chính là chìa khóa để tạo dựng một cuộc sống ý nghĩa hơn.
2. Thân bài
a. Tóm tắt nội dung câu chuyện:
Câu chuyện nói về cách sống của các loài vật trong thiên nhiên, hai con Chim én đã tốt bụng tặng Dế Mèn một món quà thật tuyệt vời là một chuyến thưởng ngoạn khung cảnh mùa xuân tươi đẹp, ấm áp. Chim Én là con vật biết bay, thế nên chúng thấy tội nghiệp cho Dế Mèn không được bay tận hưởng không gian mùa xuân. Do đó, chúng nghĩ ra sáng kiến để cả ba cùng bay thưởng thức cảnh trời đất gợi cảm, tiếc thay Dế Mèn lại không biết trân trọng món quà ấy. Từ người chịu ơn, Mèn đã ảo tưởng mình là người ban ơn. Từ việc mình là gánh nặng cho người khác Mèn ta tưởng người khác chính là gánh nặng của mình. Lòng ích kỷ, tính toán và ngộ nhận, ảo tưởng khiến Dế Mèn phải trả giá rất đắt ” nó rơi xuống đất như một chiếc lá lìa cành”.
=> Ý nghĩa: Câu chuyện có hình thức như một câu chuyện ngụ ngôn phản ánh thực tế của con người hiện nay: Câu chuyện cảnh tỉnh mọi người nói chung đặc biệt là thế hệ trẻ nói riêng đừng quá ảo tưởng về bản thân mình và không nên sống ích kỷ, toan tính.
b. Bàn luận: Có thể nói câu chuyện ngắn gọn nhưng lại mang ý nghĩa thật sâu sắc.
– Đó là câu chuyện về sự hợp tác và chia sẻ: nếu biết hợp tác và chia sẻ thì mọi người đều có lợi.
– Đó là câu chuyện về giá trị cuộc sống: biết trân trọng những gì mình đang có thì sẽ cảm nhận được giá trị đích thực của cuộc sống.
– Nếu không biết trân trọng những gì mình đang có sẽ rất khó có được hạnh phúc thậm chí còn gặp bất hạnh. Hạnh phúc còn tùy thuộc vào cách ứng xử và thái độ sống của mỗi người.
– Đó có thể là câu chuyện về niềm tin: Lòng tốt là đáng quý, nhưng niềm tin còn đáng quý hơn. Phải chăng chỉ khi con người tin tưởng lẫn nhau thì cuộc sống mới thoải mái và nhẹ nhàng hơn.
– đó có thể là bài học về cách nhìn, cách cảm nhận: với cách nhìn cẩn thận, hời hợt ta sẽ không phát hiện đúng bản chất của cuộc sống, dẫn đến những quyết định sai lầm mà ta sẽ nhớ suốt đời.
– Đó là bài học về lòng khoan dung, có thể cho và nhận: Cho và nhận đều luôn chuyển hóa: tưởng rằng cho đi nhưng lại được nhận lại và ngược lại, đó có thể là bài học về sự hợp tác và chia sẻ, nếu biết hợp tác và chia sẻ thì mọi người đều có lợi.
– Bàn luận ngược: Trong cuộc sống, một số người lại có cách sống toan tính, ích kỷ. Họ giống Dế Mèn trong câu chuyện trên. Họ cho rằng họ là người ban ơn cho người khác nhưng thực chất họ lại là gánh nặng cho mọi người, phải chăng họ không cảm nhận được những gì mình đã cho và đã nhận. Rồi đến một ngày, chắc chắn những người ấy sẽ tỉnh ngộ khi phải chịu kết cục bi thảm trong cuộc sống của mình. Đừng quên những con người hẹp hòi, tính toán như thế đáng bị chúng ta phê phán, tố cáo.
c. Mở rộng vấn đề
– Khẳng định lại vấn đề : “câu chuyện về Chim Én và Dế Mèn” thực sự đã đem lại cho chúng ta những bài học vô cùng quý báu. Câu chuyện đó đã làm ta thay đổi trong cách sống của mình để con người sống trong một xã hội tốt đẹp mà họ đáng được sống.
3. Kết bài
– Khái quát vấn đề cần nghị luận, liên hệ bản thân.
“Câu chuyện về Chim Én và Dế Mèn” để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm về cách đối nhân xử thế. Nó nhắc nhở rằng mỗi người cần biết trân trọng những gì mình có, sống chân thành và tránh xa thói ích kỷ, ngạo mạn. Hạnh phúc không chỉ nằm ở những gì ta nhận được mà còn ở cách ta đối xử với những người xung quanh. Bản thân mỗi người, trong từng hành động nhỏ nhất, đều có thể góp phần xây dựng một xã hội nhân ái, nơi mà sự chân thành và lòng bao dung được lan tỏa.