Đề bài: Viết bài văn Nghị luận về trách nhiệm của tuổi trẻ trước thực trạng nguồn nước sạch đang dần cạn kiệt.
Bài làm
A, Mở bài
+ Trên hành tinh xanh của chúng ta, nước sạch không chỉ là nguồn sống mà còn là tài sản vô giá, quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của con người.
+ Tuy nhiên, thực trạng nguồn nước sạch đang dần cạn kiệt trở thành hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn nhân loại. Những dòng sông cạn khô, những nguồn nước bị ô nhiễm, và sự khan hiếm nước sạch đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.
+ Trước vấn đề cấp bách này, câu hỏi đặt ra là: Tuổi trẻ cần có trách nhiệm như thế nào để bảo vệ và duy trì nguồn nước sạch cho hôm nay và mai sau?
B. Thân bài
1. Giải thích và nêu biểu hiện
+ Nước sạch là nguồn nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh, không chứa các chất độc hại, và an toàn cho con người sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất và nông nghiệp.
+ Tuy nhiên, nguồn nước sạch đang dần cạn kiệt với nhiều biểu hiện đáng lo ngại. Tại nhiều vùng trên thế giới, hạn hán kéo dài khiến các con sông và hồ nước cạn kiệt.
+ Đồng thời, ô nhiễm môi trường nước từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt khiến chất lượng nước giảm sút nghiêm trọng. Những hình ảnh dòng nước đục ngầu, bọt hóa chất nổi trắng hay những con cá chết hàng loạt đã trở thành nỗi ám ảnh của thời hiện đại.
2. Vai trò của nước sạch và hậu quả khi nguồn nước sạch cạn kiệt.
+ Nước sạch đóng vai trò thiết yêu trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Con người không thể sống mà không có nước, bởi nước tham gia vào các hoạt động cơ bản như uống, tắm rửa, nấu ăn, và sản xuất. Cây cối, động vật cũng phụ thuộc hoàn toàn vào nước để sinh tồn. Nước còn là nền tảng của các hệ sinh thái và chuỗi thức ăn.
+ Thế nhưng, khi nguồn nước sạch cạn kiệt, những hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra. Hạn hán, mất mùa, bệnh tật lây lan từ nguồn nước ô nhiễm, và xung đột tranh chấp nguồn nước là những vấn đề hiện hữu. Các dự báo cho thấy, nếu không có giải pháp cấp thiết, nhân loại có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng nước trong tương lai không xa.
3. Giới trẻ đang ứng xử với vấn đề như thế nào? (Thực trạng, nguyên nhân, quan điểm trái chiều, hậu quả)
+ Đáng tiếc thay, nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề nguồn nước sạch. Trong cuộc sống hàng ngày, không ít người có thói quen lãng phí nước, như để vòi nước chảy liên tục khi rửa tay hay rửa xe. Một số bạn trẻ còn vô ý thức xả rác, thải hóa chất trực tiếp xuống sông, hồ, gây ô nhiễm nguồn nước.
+ Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thờ ơ này là do các bạn chưa nhận thức được vai trò của nước sạch đối với đời sống.
+ Một số người vẫn mang quan niệm rằng nước là tài nguyên vô tận, “mùa mưa là nước đầy, không sợ thiếu.” Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng nguồn nước ngọt trên Trái Đất chỉ chiếm 2,5% tổng lượng nước, trong đó, phần lớn tồn tại dưới dạng băng hoặc nằm sâu trong lòng đất, rất khó tiếp cận.
+ Nếu tiếp tục giữ quan điểm sai lầm và thờ ơ với vấn đề này, giới trẻ sẽ góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính tương lai của chúng ta.
3. Trách nhiệm của tuổi trẻ
* Trước thực trạng đáng báo động này, mỗi bạn trẻ cần nhận thức rõ vai trò của mình trong việc bảo vệ nguồn nước sạch và hành động một cách thiết thực
+ Giải pháp thứ nhất: Nâng cao nhận thức. Để giới trẻ hiểu được tầm quan trọng của nước sạch, các hoạt động tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa thông qua trường học, mạng xã hội, và các chương trình cộng đồng. Những buổi sinh hoạt lớp với chủ đề bảo vệ nguồn nước, các chiến dịch truyền thông như “Hành động vì nước sạch” sẽ giúp các bạn trẻ nhận thức sâu sắc hơn.
+ Giải pháp thứ hai: Sử dụng nước một cách tiết kiệm. Mỗi cá nhân nên rèn luyện thói quen nhỏ nhưng ý nghĩa như tắt vòi nước khi không sử dụng, tái sử dụng nước mưa hoặc nước thải đã qua xử lý trong các hoạt động không yêu cầu nước sạch. Thói quen này không chỉ giúp giảm lãng phí mà còn là cách để bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này.
+ Giải pháp thứ ba: Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Những phong trào làm sạch sông ngòi, hồ nước tại địa phương, hay việc trồng rừng bảo vệ nguồn nước ngầm là những cơ hội để giới trẻ hành động vì một môi trường trong lành. Khi trực tiếp tham gia, các bạn sẽ cảm nhận được giá trị và tầm quan trọng của từng giọt nước.
+ Giải pháp thứ tư: Kiến nghị và thực hiện các dự án sáng tạo. Tuổi trẻ là nguồn lực đầy sáng tạo và nhiệt huyết. Các bạn có thể thực hiện các dự án nghiên cứu, phát minh những giải pháp mới nhăm xử lý nước thải hoặc khai thác nước ngọt từ nguồn tài nguyên biển. Đồng thời, việc kêu gọi cộng đồng cùng tham gia bảo vệ nguồn nước sẽ tạo nên sức mạnh đoàn kết to lớn
*Kết quả của giải pháp: Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp này, chúng ta sẽ thấy những kết quả tích cực. Không chỉ môi trường sống được cải thiện mà ý thức cộng đồng cũng được nâng cao. Đã có nhiều trường hợp thành công, như dự án “Hồi sinh sông Tô Lịch” của các bạn trẻ Hà Nội, hay phong trào “Ngày chủ nhật xanh” tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những hoạt động này không chỉ góp phần làm sạch nguồn nước mà còn lan tỏa thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường.
C. Kết bài
+ Nước sạch chính là tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người.
+ Bảo vệ nguồn nước không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân hay tổ chức mà cần sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ – những người đang năm giữ tương lai của hành tinh.
+ Bản thân tôi sẽ bắt đầu từ những hành động nhỏ như sử dụng nước tiết kiệm, không xả rác bừa bãi, và tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Hãy nhớ rằng, một giọt nước hôm nay chúng ta bảo vệ là một giọt nước dành cho tương lai.