Nghị luận về vai trò của tiếng mẹ đẻ của tiếng Việt và việc học tập tiếng Việt

Đề bài: Nhà văn Pháp A. Đô-đê đã đề cao vai trò của tiếng mẹ đẻ qua câu nói của nhân vật thầy giáo Ha-men: “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chứng nào hộ vẫn giữ tiếng nói thì chẳng khác nào nắm được chìa khoá chốn lao tù”. Từ câu nói trên, viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò của tiếng mẹ đẻ nói chung, của tiếng Việt nói riêng và việc học tập tiếng Việt của lớp trẻ hiện nay.

Bài làm

Trong tác phẩm Buổi học cuối cùng của nhà văn người Pháp A.Đô-đê, nhân vật thầy giáo Ha-men đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngôn ngữ đối với mỗi dân tộc. Đó là sự sống còn của tiếng mẹ đẻ đối với sự tồn tại của một quốc gia “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lẹ, chứng nào họ vẫn giữ tiếng nói thì chẳng khác nào nắm được chìa khoá chốn lao tù”. Quả vậy, tiếng nói không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là linh hồn của một đất nước. Câu nói của thầy giáo đã gợi trong em những suy nghĩ về vai trò của tiếng mẹ đẻ nói chung, của tiếng Việt nói riêng và việc học tập tiếng Việt của lớp trẻ hiện nay.

[Tiếng mẹ đẻ là gì?] Tiếng mẹ đẻ, trước hết, được hiểu đó là ngôn ngữ mà con người được học khi còn tấm bé. Đó là ngôn ngữ dùng để giao tiếp hằng ngày với những người xung quanh để bộc bạch suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, cách nhìn về thế giới quan. Khi không có ngôn ngữ, chúng ta rất khó để có thể giao tiếp, thể hiện những ý nghĩ bên trong mình với người khác. Và tất nhiên, không đơn giản là chúng ta mất đi công cụ giao tiếp mà chúng ta mất đi một dòng chảy văn hoá, truyền thống của dân tộc mà ông cha đã xây dựng, gìn giữ nên.

[Ngôn ngữ là biểu tượng của dân tộc] “Tiếng Việt còn là nước Nam còn”, câu nói cứ vang lên mãi trong mỗi thế hệ người Việt trong hành trình gìn giữ và phát triển tiếng nói dân tộc. Dân tộc Việt Nam với chặng đường lịch sử chiến đấu dài đẵng đằng trước bọn xâm lược từ bên ngoài lẫn bên trong, chứng kiến nhiều sự hi sinh, tang thương, mất mát thế nhưng ông cha luôn cố gắng giữ hồn quê, giữ gìn tiếng nói dân tộc. Hơn ai hết, chúng ta đều hiểu rằng, khi một tiếng nói của dân tộc bị xoá đi, dân tộc đó rất dễ rơi vào tình trạng bị đồng hoá. Điều này đồng nghĩa với việc mất đi sự độc lập, tự do dân tộc. Từ bao giờ, ngôn ngữ đã trở thành vũ khí sắc bén để bảo vệ bản sắc, bảo vệ độc lập, bảo vệ chủ quyền của một quốc gia. Tiếng mẹ đẻ chính là dấu ấn của sự tự hào dân tộc, là bản sắc riêng mà không ngôn ngữ nào có thể thay thế. Nhờ có ngôn ngữ mà chúng ta có thể phân biệt được quốc gia này với quốc gia kia, từ đó tạo nên sự mới mẻ, sự đa dạng trong ngôn ngữ toàn cầu.

Nghị luận về vai trò của tiếng mẹ đẻ của tiếng Việt và việc học tập tiếng Việt

[Ngôn ngữ – sợi dây gắn kết tình cảm dân tộc] Tiếng Việt – ngôn ngữ gíup người dân Việt Nam gắn kết với mọi người trên khắp mọi miền Tổ quốc. Và dù sinh sống ở trong nước hay ngoài nước thì chỉ cần mang hai chữ quốc tịch Việt Nam thì đâu đó ánh lên niềm tự hào dân tộc, sự ấm cúng yêu thương. Đó là phương tiện để thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Những bài văn, bài thơ, câu hát mang trong mình nét đẹp văn hoá dân tộc gợi lên một lòng yêu nước nồng nàn, mãnh liệt.

[Thực trạng sử dụng tiếng Việt hiện nay của thế hệ trẻ] Trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập hoá hiện nay với sự du nhập của nhiều nền văn hoá khác của các quốc gia trên thế giới tạo sự đa dạng, phong phú cho nền văn hoá dân tộc. Bên cạnh những mặt tích cực mà nó đem lại thì chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận với nhau về những điều bất lợi. Một bộ phận giới trẻ ngày nay có xu hướng sử dụng ngôn ngữ nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày, sử dụng từ ngữ lai căng quá nhiều làm tiếng Việt mất dần đi giá trị nguyên bản, sự trong sáng của tiếng Việt.

[Vai trò của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và phát huy tiếng Việt] Thế hệ trẻ hôm nay cần nâng cao hiểu biết, cần ý thức rõ ràng về vai trò của tiếng Việt trong đời sống cá nhân và xã hội. Hãy học và sử dụng tiếng Việt một cách đúng đắn không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cách để bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc. Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Vận mệnh của một quốc gia phụ thuộc vào thế hệ hôm nay để không chỉ gìn giữ bản sắc dân tộc mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc học và sử dụng tiếng Việt đúng cách là cách để chúng ta bảo vệ giá trị dân tộc.

[Hướng hành động để thế hệ trẻ yêu quý và trân trọng tiếng Việt] Gia đình và nhà trường ngay từ bây giờ cần giáo dục, nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cần thiết của ngôn ngữ dân tộc trong việc hình thành và phát triển tư duy của mỗi cá nhân. Thường xuyên mở rộng các cuộc thi để nuôi dưỡng tình yêu tiếng Việt. Trong mỗi đứa trẻ cần hiểu về sứ mệnh của chính mình đối với tương lai dân tộc. Chúng cần được hiểu việc hoà nhập chứ không được hoà tan trong xu thế hiện nay.

Như vậy, tiếng mẹ đẻ nói chung, tiếng Việt nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc như lời thầy giáo Ha-men đã nói. Câu nói thêm phần khẳng định chắc nịch về sự sống còn của tiếng mẹ đẻ đồng thời khơi dậy hướng hành động đúng đắn trong mỗi chúng ta trên chặng đường bảo vệ những giá trị mà ông cha đã cất công gìn giữ, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Yêu thích

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This will close in 0 seconds