Nghị luận về vấn đề sử dụng điện thoại của học sinh

Đề bài: Học sinh cần được sử dụng điện thoại trong lớp. Nghị luận về vấn đề sử dụng điện thoại của học sinh.

Hướng dẫn làm bài

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề và nêu rõ quan điểm phản đối

2. Thân bài

a. Trình bày quan điểm ủng hộ việc sử dụng điện thoại:

– Điện thoại là công cụ hỗ trợ học tập: tra cứu thông tin, tiếp cận kiến thức.

– Giúp phụ huynh dễ liên lạc, yên tâm hơn về con em.

b. Lý do phản đối sử dụng điện thoại trong lớp:

– Khó kiểm soát: Giáo viên không thể quản lý việc học sinh sử dụng điện thoại đúng mục đích.

– Ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài: Học sinh dễ xao nhãng, mất tập trung, dùng điện thoại vào mục đích giải trí.

– Gây phân hóa, bất bình đẳng: Dễ tạo tâm lý đua đòi, so sánh giữa học sinh.

– Nhiều quốc gia phát triển cũng cấm: Dẫn chứng từ Pháp, Nhật Bản, Australia…

Nghị luận về vấn đề sử dụng điện thoại của học sinh

c. Tác động tiêu cực lâu dài:

Gây nghiện điện thoại, tăng tỉ lệ cận thị, giảm tương tác xã hội, ảnh hưởng sức khỏe và tinh thần học sinh.

3. Kết bài: Khẳng định lại quan điểm phản đối và đưa ra giải pháp

– Việc dùng điện thoại trong lớp là chưa phù hợp, cần kiểm soát chặt chẽ.

– Nên tổ chức các buổi hướng dẫn sử dụng điện thoại hợp lý, đúng mục đích học tập.

– Chỉ nên cho sử dụng trong các buổi ngoại khóa hoặc hoạt động đặc biệt.

Bài văn mẫu

1. Mở bài

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 32 về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó quy định “cho phép học sinh được sử dụng điện thoại di động nếu phục vụ cho việc học tập và được sự đồng ý từ giáo viên”.

Mặc dù smartphone kết nối chúng ta với thế giới theo cách chúng ta chưa bao giờ tưởng tượng nổi cách đây một thập kỷ, và có thể được sử dụng như một phương tiện dạy học trong nhà trường nhưng chúng làm dấy lên nhiều vấn đề mà những thế hệ đi trước chưa từng phải đối diện. Và bản thân tôi không đồng ý với việc cho phép HS sử dụng điện thoại di động ở lớp, ở trường.

2. Thân bài

– Ý 1. Trình bày thực chất của ý kiến, quan niệm đã nêu ra để bàn luận.

Ai cũng biết, điện thoại bây giờ không không chỉ là nghe gọi mà còn là nơi cung cấp kho tàng kiến thức bằng việc kết nối Internet, 4G. Bởi vậy không sai khi nói rằng điện thoại di động phải được cho là một công cụ giáo dục. Bên cạnh đó, với điện thoại thông minh, học sinh ngày nay có khả năng tiếp cận rất nhiều nguồn kiến thức khác nhau bổ sung cho kiến thức mà giáo viên và sách giáo khoa cung cấp. Trong bối cảnh hiện nay, điện thoại chính là để duy trì mối liên hệ giữa phụ huynh và học sinh. Có điện thoại, phụ huynh cũng giảm mối lo về việc con cái đi đâu, làm gì sau tan học, nhất là với lượng học sinh phải đi đường xa đến trường.

Tuy nhiên, tôi có nhiều lí do để phản đối việc học sinh sử dụng ĐTDĐ trong lớp.

– Ý 2. Phản đối các khía cạnh của ý kiến, quan niệm bằng các lý lẽ, bằng chứng.

+ Cho học sinh sử dụng ĐTDĐ sẽ khiến giáo viên khó quản lí. Trong một lớp học đông học sinh, có khi lên đến 50 em thì việc một giáo viên quản lý các em xem thông tin gì trong điiện thoại thông minh với một tiết học 45 phút hầu như là bất khả kháng. Bởi vì, chỉ cần một cái gạt ngón tay, màn hình đã chuyển ngay sang nội dung khác. Câu nói, “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” luôn đúng trong các tình huống như vậy. Hơn nữa, giáo viên cũng không thể vừa giảng bài vừa quản lý mấy chục học sinh của mình đang xem gì trên điện thoại. Vì như vậy sẽ gây mất tập trung cho cả lớp và bài giảng cũng khó hoàn thành.

+ Học sinh đến lớp là để tiếp thu kiến thức từ nhà trường mà trực tiếp là giáo viên. Nếu như, mỗi học sinh ôm một cái điện thoại thông minh rồi chăm chăm vào đó thì làm sao có thể tiếp thu kiến thức và phương pháp mà giáo viên muốn truyền tải. Nếu chỉ vì để tra cứu kiến thức, nhà trường đã có các phòng học sử dụng máy chiếu, máy vi tính kết nối internet trong các phòng chuyên dụng. Hoặc có thể tra cứu khi kết thúc giờ lên lớp. Thậm chí, sẽ có học sinh tranh thủ dùng điện thoại để chát chít, chơi game, vào các trang mạng xã hội để xem những nội dung không lành mạnh, sai kiến thức, thiếu tính thẩm mỹ, nhảm nhí, thiếu tính giáo dục.

+ Bản thân những phụ huynh cũng khó kiểm soát con em sử dụng ĐTDĐ ở trường, về thời gian sử dụng và những nội dung được phép xem trong điện thoại thông minh. Chưa kể, sử dụng ĐTDĐ sẽ gây ra sự phân biệt đối xử bất bình đẳng giữa các học sinh. Điều này là tối kỵ trong môi trường giáo dục. Đó là sự đua đòi của các học sinh về những dòng máy đắt tiền có tính năng sử dụng ưu việt. Trong khi, với nhiều học sinh con nhà nghèo, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, việc sắm và sử dụng một chiếc điện thoại thông minh không phải dễ dàng.

+ Nhìn ra thế giới, nhiều nước có môi trường giáo dục và nền kinh tế phát triển hơn nước ta cũng có lí do để cấm sử dụng ĐTDĐ. Tháng 9/2018, Australia ban hành lệnh cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học. Một trong số những quan ngại đó chính là hành vi bắt nạt trên mạng. Từ năm học 2018-2019, Pháp áp dụng lệnh cấm sử dụng điện thoại di động trong tất cả trường học trên cả nước. Theo đó, cấm sử dụng điện thoại di dộng, đồng hồ thông minh và máy tính bảng tại toàn bộ các trường tiểu học và trung học. Từ tháng 7/2020, học sinh cấp 2, 3 của Nhật Bản được phép mang điện thoại đến trường để liên lạc trong các trường hợp khẩn cấp. Sau khi tới trường, các em được yêu cầu để điện thoại vào tủ cá nhân để tránh mất tập trung trong giờ học.

– Ý 3. Nhận xét những tác động tiêu cực của ý kiến, quan niệm đối với đời sống bằng các lí lẽ, bằng chứng.

Ngoài những lí do trên, nếu cho phép học sinh sử dụng ĐTDĐ trong lớp, còn mang đến một số nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ, khả năng tiếp thu của học sinh như nguy cơ nghiện game, sa đà vào nội dung xấu trên mạng xã hội, khả năng tăng tỉ lệ cận thị và đặc biệt là giảm giao tiếp với thế giới xung quanh.

3. Kết bài: Nêu ý nghĩa của việc thể hiện ý kiến phản đối.

Điện thoại di động và các ứng dụng của nó ngày nay đang tiêu tốn quá nhiều thời gian của học sinh sau giờ học, do vậy việc không kiểm soát được thời gian hữu ích sử dụng điện thoại trong lớp thì càng phát sinh nhiều hệ lụy hơn. Do vậy, đây chưa phải là thời điểm phù hợp để đưa điện thoại di động vào nhà trường. Và một điều hết cần thiết là nhà trường nên tổ chức các buổi chia sẻ về cách thức sử dụng điện thoại di động đúng cách tại nhà hoặc cách thức để học tập tốt hơn thông qua ứng dụng di động tại nhà. Điện thoại di động chỉ nên được sử dụng trong các buổi cắm trại, hoạt động ngoại khóa hoặc các buổi dạy học về ứng dụng di động.

Yêu thích

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *