Đề bài: Anh/chị hãy chia sẻ suy nghĩ của mình về ý kiến sau: Mỗi người là một pho sách, nếu ta biết đọc họ. (Ngạn ngữ Pháp)
Bài làm
1. Giải thích
– Theo nghĩa thông thường, sách là nơi lưu giữ những tri thức của nhân loại, nơi kết tinh tâm hồn, trí tuệ của con người. Mỗi cuốn sách có thể đem đến cho người đọc những hiểu biết bổ ích, nâng cao nhận thức, bồi đắp tâm hồn, định hướng cách đối nhân xử thế… “Một pho sách” bao gồm nhiều cuốn sách, đó là cả một kho tri thức phong phú được đúc kết trong những trang giấy.
– Qua cách so sánh, ví von độc đáo, câu ngạn ngữ gián tiếp khẳng định: Mỗi người xung quanh chúng ta là cả một kho tri thức mà chúng ta có thể học hỏi, với điều kiện chúng ta phải biết quan sát, nhìn nhận, trao đổi, giao lưu, phải hiểu được ưu điểm, nhược điểm, tìm ra những điều đáng học hỏi ở họ. Tác giả câu ngạn ngữ cũng ngầm gửi gắm lời khuyên: mỗi người cần chịu khó lắng nghe, tích cực học hỏi những người xung quanh mình để hoàn thiện bản thân.
2. Bình luận
– Đây là một ý kiến xác đáng:
+ Mỗi người chúng ta đều có vốn hiểu biết hữu hạn. Có không ít điều người khác biết mà chúng ta không biết. Ai cũng có điều đáng cho ta học hỏi ở phương diện này hoặc phương diện khác. Họ là những “pho sách” bằng xương, bằng thịt. Ta có thể tiếp thu tri thức của họ để lấp đi những khoảng trống trong vốn hiểu biết của ta. Cái hay của người thì ta học, cái dở của người thì ta tránh.
+ Tuy nhiên, chúng ta phải biết quan sát, tìm hiểu, đánh giá, lắng nghe (nghĩa là phải biết “đọc” họ) thì mới thu nhận được những điều bổ ích. Tri thức không phải là thứ được mang bên ngoài như trang phục mà nó ẩn chứa trong tâm hồn, trí tuệ của con người. Nếu không biết cách, không chịu khó tìm tòi, quan sát, tìm hiểu người khác thì sẽ chẳng thể thu nhận được tri thức từ họ.
3. Chứng minh
Thí sinh lấy được dẫn chứng phù hợp để làm sáng tỏ vấn đề đang bàn luận.
4. Mở rộng
Phê phán những kẻ lười biếng, không chịu giao lưu, học hỏi để mở mang tri thức hoặc kiêu căng, tự phụ, không chịu học tập những điều tốt đẹp của người khác.
5. Bài học
– Mỗi người cần có thái độ khiêm nhường, tự nhận thấy điểm hạn chế trong vốn hiểu biết của mình để tìm cách bổ khuyết những hạn chế ấy qua việc học hỏi người khác.
– Cần chân thành, khéo léo, tế nhị khi “đọc” người khác để có thể tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp và nhận được những điều hữu ích cho bản thân.