Nghị luận về ý kiến: Sống như chính mình trong một thế giới luôn cố biến mình thành người khác

Đề bài: Nghị luận về ý kiến: Sống như chính mình trong một thế giới luôn cố biến mình thành người khác – đó là thành tựu lớn nhất trong đời.
(Ralph Waldo Emerson, Dẫn theo Rosie Nguyễn, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2016, Tr.147)
Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

Nghị luận về ý kiến: Sống như chính mình trong một thế giới luôn cố biến mình thành người khác

Bài làm

1. Giải thích ý kiến

– Sống như chính mình: Là sống với ý thức về giá trị cá nhân, sống trung thực, thẳng thắn với cái tôi của mình, là sự khẳng định bản ngã trước người khác, trước cộng đồng xã hội.

– Một thế giới cố biến mình thành người khác: Là hoàn cảnh xã hội, là những yếu tố bên ngoài tác động khiến con người không được là chính mình, đánh mất mình.

– Thành tựu: Cái đạt được, có ý nghĩa lớn sau một quá trình hoạt động thành công.

– Ý kiến khẳng định vai trò, tầm quan trọng của việc con người vượt lên những cản trở của yếu tố tác động bên ngoài để sống là chính mình. Đó là điều có ý nghĩa nhất, kết quả lớn nhất mà con người thu được trong hành trình sống của bản thân.

2. Bình luận ý kiến

2.1. Bình

a. Sống như chính mình được biểu hiện như thế nào:

– Sống có hành trang: tài năng và trí tuệ

– Sống có bản lĩnh, ý chí và nghị lực

– Sống có mục đích, lý tưởng, có đạo đức, nhân cách

– Sống có cá tính, dám sống với những nhu cầu bản thể của mình, đồng nhất giữa bên ngoài và bên trong…

b. Nguyên nhân quan trọng khiến con người không được sống như chính mình là bởi con người phải sống trong một thế giới luôn cố biến mình thành người khác:

– Xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng của chế độ phong kiến tập quyền nên ý thức cá nhân cá thể không có điều kiện phát triển. Con người phải triệt tiêu cá tính, khép mình theo những qui tắc, chuẩn mực chung. Người có tư duy mới mẻ, có chủ kiến cá nhân, khác biệt với mọi người thường phải chịu cái nhìn mang tính định kiến của cộng đồng xã hội.

– Cuộc sống hiện đại ngày nay khiến con người dễ biến mình thành người khác:

+ Sự phát triển mạnh mẽ của nền văn minh vật chất đưa tới nguy cơ làm tha hóa con người. Con người quá coi trọng vật chất, sống thực dụng, sống theo hình thức, hướng ngoại, đua đòi theo những giá trị vật chất. Con người sống lệ thuộc vào những yếu tố bên ngoài, không làm chủ được mình.

+ Nền kinh tế thị trường chi phối khiến con người sống nhanh, sống gấp, sống giả. Con người sống theo bề rộng mà bỏ qua chiều sâu, không bồi đắp, di dưỡng những giá trị tinh thần.

+ Sự phát triển của mạng xã hội, việc sản sinh ra các sản phẩm công nghệ cao khiến con người bị đắm chìm trong thế giới ảo, tôn thờ cái ảo mà đánh mất giá trị thực.

+ Chiều hướng phát triển đa dạng, phức tạp của cuộc sống dẫn đến sự mất phương hướng, bi quan, sự suy giảm lòng tin vào lý tưởng của con người.

c. Vì sao sống như chính mình trong một thế giới cố biến mình thành người khác là thành tựu lớn nhất trong đời:

– Khi con người dám là mình trong một thế giới cố biến mình thành người khác, từ suy nghĩ đến hành động thì sẽ không còn bị môi trường chi phối, trở nên độc lập, không hòa lẫn vào đám đông, không còn mặc cảm tự ti, không dễ bị tổn thương, sống an nhiên, tự tại, tự tin đối diện với thế giới xung quanh, vượt qua những thách thức, những tác động tiêu cực của cuộc sống.

– Khi vượt qua được những cản trở của yếu tố bên ngoài, con người vượt qua các giới hạn của bản thân, phát triển và sáng tạo, khai phóng được tất cả mọi khả năng, sức mạnh tiềm ẩn, khẳng định được sự tồn tại có ý nghĩa trong cuộc đời.

– Khi vượt qua sự chi phối của ngoại cảnh, sống là chính mình, con người sẽ vun đắp được những nét đặc sắc của riêng mình, vẻ đẹp của riêng mình, in dấu được cái tôi bản thể.

d. Làm thế nào để sống là chính mình trong một thế giới luôn biến mình thành người khác:

– Không thể tự khẳng định bản thân bằng cách dựa dẫm vào ngoại lực hay bằng những hình thức, phương tiện vay mượn từ bên ngoài, trước hết và chủ yếu phải phụ thuộc vào chính nội lực của mình. Con người cần có bản lĩnh được hun đúc nên từ trí trí tuệ, tâm hồn và nhân cách.

– Mặt khác con người chỉ có thể trở thành chính mình trong một môi trường tự do dân chủ. Một xã hội chuyên chế là xã hội triệt tiêu sự sáng tạo của cá nhân và của cả cộng đồng. Cái tôi chỉ có thể tồn tại trong môi trường mà con người cá nhân được tôn trọng.

2.2 Luận

– Cần có ý thức khẳng định cái tôi cá nhân vượt lên sự chi phối của môi trường sống nhưng không tự cao tự đại. Sống là chính mình nhưng phải phù hợp với chẩn mực đạo đức cộng đồng, xã hội.

– Sống là chính mình được đánh giá cao khi nó không chỉ hướng đến sự phát triển của riêng cá nhân mà còn gắn với tinh thần phụng sự vô tư cho lợi ích cộng đồng.

– Sự khẳng định mình của mỗi cá nhân luôn quan hệ gắn bó với sự khẳng định mình của mối quốc gia dân tộc. Từ đó đặt ra vấn đề bản lĩnh của mỗi quốc gia dân tộc trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

– Phê phán những con người đánh mất chính mình với lối sống hèn nhát, thụ động, lối sống trong bao, lối sống giả tạo, hình thức… hay những cách sống là chính mình đi ngược với chuẩn mực của đạo đức xã hội.

3. Bài học nhận thức và hành động

– Nhận thức được vai trò quan trọng việc sống là chính mình trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay.

– Bồi đắp, rèn luyện các năng lực của bản thân để kiến tạo một cuộc sống có ý nghĩa cho bản thân, gia đình và xã hội.

Yêu thích

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *