Đề bài: Xấu hổ trước mọi người là một tình cảm tốt, nhưng xấu hổ trước bản thân mình còn tốt hơn.
(Theo sách Danh ngôn thế giới Đông Tây kim cổ, NXB Văn hóa – Thông tin 1999, tr. 448)
Hướng dẫn làm bài
1. Mở bài: giới thiệu vấn đề nghị luận: ý thức danh dự bản thân.
Trong cuộc sống, ai cũng từng mắc sai lầm. Điều quan trọng là sau những lần vấp ngã ấy, chúng ta có đủ dũng cảm để nhìn lại bản thân và sửa chữa hay không. Có người chỉ cảm thấy xấu hổ khi bị người khác phát hiện lỗi lầm, nhưng cũng có người biết tự thấy hổ thẹn với chính mình. Nhà văn Lép Tôn-xtôi từng nói: “Xấu hổ trước mọi người là một tình cảm tốt, nhưng xấu hổ trước bản thân mình còn tốt hơn.” Câu nói ấy khiến em suy nghĩ nhiều về ý thức tự rèn luyện, biết tự nhìn lại mình để sống tốt hơn mỗi ngày.
2. Thân bài
a. Giải thích
– Xấu hổ: là trạng thái tâm lí tự ý thức khi mắc phải khuyết điểm, lỗi lầm trước người khác hoặc về hạn chế của bản thân.
– Xấu hổ trước mọi người: là sự hổ thẹn của bản thân khi vi phạm những chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Xấu hổ trước bản thân: là sự tự hổ thẹn với chính mình khi có lỗi hoặc không thực hiện đúng những nguyên tắc do mình đề ra.
Ý kiến của Lep Tôn-xtôi đã đánh giá cao tâm lí biết hổ thẹn như là tính tự giác về ý thức danh dự của cá nhân.
b. Bình luận: khẳng định đây là ý kiến đúng đắn, sâu sắc.
– Xã hội có những quan niệm, chuẩn mực chung buộc mỗi cá nhân phải tuân thủ. Nhưng đã là con người thì không thể tránh khỏi những sai lầm, hạn chế, điều đó thường khiến họ day dứt, dằn vặt, hối hận.
– Xấu hổ trước mọi người: ý thức được hạn chế của bản thân, cảm thấy thua kém trước người khác, day dứt, ăn năn khi mắc lỗi. Sự cắn rứt lương tâm đó cũng là biểu hiện của lòng tự trọng.
– Xấu hổ trước bản thân: tình cảm hoàn toàn tự giác chịu sự kiểm soát của lương tri, lương tâm. Tự nhìn nhận, đánh giá bản thân một cách nghiêm khắc để thấy rõ những sai lầm, yếu kém của mình.
– Xấu hổ trước mọi người là một tình cảm tốt:
+ Xấu hổ là cảm xúc tích cực vì nhận ra lỗi và biết hối lỗi.
+ Biết xấu hổ trước người khác, từ đó tự giác vươn lên để khắc phục và hoàn thiện bản thân cả về năng lực, nhân cách.
– Xấu hổ trước bản thân mình còn tốt hơn:
+ Xấu hổ trước bản thân là điều đáng quý. Nó thể hiện ý thức tu thân, hướng thiện, phục thiện, thuộc bản chất của con người.
+ Biết rõ sai lầm, thiếu sót mới có thể tự sửa chữa được. Chiến thắng lớn nhất của mỗi người là chiến thắng chính bản thân mình.
+ Người biết xấu hổ trước bản thân sẽ thường xuyên kiểm soát được suy nghĩ, việc làm của mình và vì thế hạn chế được sai lầm.
(Thí sinh lấy dẫn chứng tiêu biểu để chứng minh)
c. Bài học nhận thức và hành động
– Phải ý thức rõ xấu hổ là tình cảm tốt, tạo động lực cho mỗi người trong quá trình tự hoàn thiện bản thân.
– Biết phân biệt xấu hổ là tự trọng khác hẳn với tự ti.
– Phải không ngừng rèn luyện đạo đức, tư cách, nâng cao lòng tự trọng, biết tôn trọng bản thân và mọi người xung quanh. Biết xấu hổ là tốt nhưng cần hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể để giữ gìn danh dự, nhân phẩm.
– Lên án những người tự ti, thiếu niềm tin ở bản thân hoặc tự cao tự đại, đánh mất lòng tự trọng, trốn tránh lỗi, không biết xấu hổ…
3. Kết bài: Khẳng định vấn đề và liên hệ bản thân.
Qua câu nói của Lép Tôn-xtôi, em hiểu rằng biết xấu hổ trước bản thân là một điều rất đáng quý. Đó là cách giúp chúng ta trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm hơn và không ngừng hoàn thiện bản thân. Là học sinh, em nghĩ mình cần luôn giữ gìn lòng tự trọng, biết nhận lỗi khi làm sai và cố gắng sửa sai bằng hành động cụ thể. Chỉ khi biết sống thật với chính mình và dũng cảm đối diện với những thiếu sót, em mới có thể trở thành một người tốt và có ích cho xã hội.