Suy nghĩ về câu chuyện Một giáo viên yêu cầu học sinh nhìn vào những con bướm dưới kính hiển vi

Đề bài: Một giáo viên yêu cầu học sinh nhìn vào những con bướm dưới kính hiển vi. Ban đầu, các em nghĩ chúng đầy màu sắc, nhưng nhìn kĩ lại, họ lại nhận ra chúng thực sự không có màu. Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị dựa vào câu chuyện trên.

Bài làm

Trong hành trình khám phá thế giới nhiệm màu của tạo hoá, chúng ta vẫn thường bắt đầu bằng cặp mắt tròn trịa ngây thơ với một trái tim mang đầy sự hứng khởi. Nhìn từ xa, mọi thứ dường như đẹp đẽ, lung linh, tràn ngập sắc màu thế nhưng, khi đến gần và nhìn kĩ lại, có những điều mà những gì ta thấy lại chẳng giống như những gì ta đang nghĩ. Cũng giống như câu chuyện về một giáo viên yêu cầu học sinh nhìn vào những con bướm dưới kính hiển vi; ban đầu, các em nghĩ chúng đầy màu sắc, nhưng nhìn kĩ lại, họ lại nhận ra chúng thực sự không có màu. Câu chuyện đã gợi lên trong ta những chiêm nghiệm sâu sắc về bài học quan sát và thấu hiểu ở mỗi người để không bị ảo giác dối lừa.

[Phân tích câu chuyện] Câu chuyện kể về học sinh quan sát những con bướm dưới kính hiển vi. Khi nhìn từ xa, những con bướm trông thật rỡ với màu sắc tươi đẹp, đẹp đẽ, lung linh, thậm chí thu hút ánh nhìn của người khác. Thế nhưng, khi đặt dưới kính hiển vi thì những con bướm vừa nãy lại hiện ra với một “bộ dạng” khác đặc biệt hơn khi chúng không có màu sắc. Đây không chỉ là sự ngộ nhận của các bạn học sinh mà đây còn là một tình huống diễn ra thường ngày trong cuộc sống. Chúng ta vẫn thường xuyên đánh giá sự vật, sự việc, con người thông qua những gì chúng ta thấy ban đầu mà không tìm hiểu kĩ càng, sâu sắc. Ông bà xưa có câu “Nhìn mặt bắt hình dong” là vậy!

Suy nghĩ về câu chuyện Một giáo viên yêu cầu học sinh nhìn vào những con bướm dưới kính hiển vi

[Lăng kính sự thật trên nền tảng công nghệ số] Trong thời đại công nghệ đang phát triển rầm rộ như hiện nay, mạng xã hội có lẽ đã trở thành phương tiện để con người ta thoả sức trình diễn hình ảnh cuộc sống của bản thân lên không gian mạng. Những bức hình lộng lẫy, những chuyến du lịch đắt đỏ sang trọng, những khoảnh khắc hạnh phúc được công khai chia sẻ nhưng ai biết rằng, trong số đó, đâu là thật, đâu là giả? Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy những điều họ muốn chúng ta thấy. Không ít người sống phông bạt, đua đòi, hám danh lợi, thèm khát sự nổi tiếng mà sẵn sàng lao đầu theo xu hướng để đạt được cái khoái cảm được trầm trồ, được ngưỡng mộ, được tôn sùng…

[Cuộc sống không tồn tại màu hồng như bạn nghĩ] Khi đối diện với thực tại, ta nhận ra, cuộc sống không chỉ có những mảng màu tươi sáng; cuộc sống còn có những gam màu tối, những ánh màu nhạt nhoà mà buộc lòng chúng ta phải thừa nhận. Không ai là hạnh phúc mãi mãi, cũng chẳng ai là đau khổ vĩnh cửu. Ai ai cũng có nốt thăng nốt trầm. Chính vì vậy mà việc nhìn sâu để hiểu rõ bản chất là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

[Nhìn nhận để đánh giá sự thật một cách khách quan] Sự quan sát tỉ mỉ giúp chúng ta nhận thức rõ ràng về thực tế. Không chỉ vậy, đôi khi, nó còn giúp ta tránh được những sai lầm. Nhìn sâu vào một vấn đề, bạn sẽ nhìn thấy những mặt tốt, mặt xấu. Bạn dễ dàng nhận ra, đâu là hạnh phúc thực sự, đâu là sự vui vẻ do giả dối mà có. Bạn sẽ nhận ra, đâu là tin tức đúng, đâu là báo lá cải. Bạn sẽ hiểu ra, đâu là sự trưởng thành trong suy nghĩ. Rồi một ngày, bạn sẽ không còn là cô cậu ngây thơ vội vàng tin vào những điều trông thấy, thay vào đó, bạn dùng trái tim để cảm nhận lời thật lòng, lời chân thành đến từ con tim.

Bởi khi con người biết nhìn nhận sâu sắc và đúng đắn về gam màu cuộc sống, họ sẽ có khả năng đưa ra lựa chọn phù hợp để từ đó phát triển bản thân theo chiều hướng tích cực hơn. Chúng ta không dễ bị dẫn dắt bởi cảm xúc, những hình ảnh, thông tin sai lệch, vô căn cứ. Nhà văn Lev Tolstoy từng nói “Người không biết sự thật giống như một kẻ mù lạc trong rừng sâu” cũng vì nguyên do như thế! Chỉ khi nhìn thấy con đường đúng đắn, chúng ta mới tránh khỏi ngã rẽ sai lầm, quyết định cảm tính.

[Con người trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn khi biết đánh giá sự vật, sự việc một cách khách quan] Việc nhận thức đúng đắn bản chất vấn đề còn giúp con người ta trưởng thành hơn trong suy nghĩ. Chúng ta ít bị dao động bởi yếu tố bên ngoài, khó lòng bị tổn thương, thậm chí là bị đánh mất niềm tin khi mọi thứ diễn ra trái với mong đợi. Nếu biết nhìn nhận thực tế, chúng ta sẽ học được cách chấp nhận những điều chưa hoàn hảo, đối diện với thử thách một cách bình thản, kiên định hơn.

Chỉ khi con người hiểu rõ bản chất của cuộc sống, họ mới thực sự tự do. Thông qua việc nhìn nhận thực tế một cách khách quan, rèn luyện tư duy, giữ vững giá trị đạo đức, chúng ta mới có thể sống một cuộc đời chân thực, trọn vẹn hơn. Nhận thức đúng đắn giúp chúng ta hành động có trách nhiệm, mang lại nhiều ý nghĩa tốt cho bản thân cũng như cộng đồng.

Như vậy, câu chuyện giúp chúng ta hiểu hơn về bài học cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan. Khi chúng ta biết nhìn sâu vào cốt lõi, chúng ta sẽ không bị cuốn theo vẻ hào nhoáng bên ngoài mà thay vào đó, chúng ta sẽ sống một cuộc đời rực rỡ, tôn trọng sự thật dù là tốt hay xấu.

Yêu thích

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This will close in 0 seconds