Suy nghĩ về thái độ sống hướng về cội nguồn của dân tộc Việt Nam

Đề bài: Đọc đoạn thơ sau:

“ Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”.

(Trích Ánh trăng – Nguyễn Duy, Ngữ văn 9, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm 2013)

Trong đoạn thơ trên có câu:“đủ cho ta giật mình”, nhắc tới sự thức tỉnh của người nghệ sĩ về ý thức hướng về cội nguồn, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.
Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 2 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về thái độ sống hướng về cội nguồn của dân tộc Việt Nam.

Hướng dẫn làm bài

a. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.

Trong bài thơ Ánh trăng, nhà thơ Nguyễn Duy đã viết:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.”
Câu thơ cuối như một lời thức tỉnh, khiến người đọc không khỏi bồi hồi suy nghĩ về cội nguồn, về quá khứ đã từng thân thuộc mà đôi khi ta vô tình lãng quên. Đó cũng chính là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về một thái độ sống đầy nhân văn: biết hướng về cội nguồn – một truyền thống đạo lý tốt đẹp đã trở thành bản sắc của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay.

b. Thân bài

– Giải thích:

+ Cội nguồn: Là nơi từ đó sinh ra. Hướng về cội nguồn là hướng về nơi mình sinh ra, rộng hơn là nguồn gốc của dân tộc. Đây là thái độ sống thủy chung, không quên quá khứ đã trở thành đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta.

+ Câu thơ nói riêng, bài thơ nói chung vừa là sự thức tỉnh của người nghệ sĩ vừa là lời nhắc nhở mỗi chúng ta phải luôn ghi nhớ đạo lý của dân tộc.

Suy nghĩ về thái độ sống hướng về cội nguồn của dân tộc Việt Nam

– Phân tích, bàn luận

+ Mỗi con người sinh ra đều có nguồn gốc của mình. Đó là tổ tiên, dòng tộc, gia đình… Quốc gia, dân tộc cũng vậy. Có quá khứ mới có hiện tại, có thời điểm sơ khai và quá trình lịch sử mới có xã hội hiện đại ngày nay. Vì vậy con người cần phải có ý thức, thái độ sống hướng về nguồn cội.

+ Hướng về cội nguồn sẽ giúp cho chúng ta kết nối được truyền thống, gắn kết quá khứ – hiện tại để phát huy những truyền thống quý báu của gia đình, dân tộc, làm cho cuộc sống hiện tại tốt đẹp và ý nghĩa hơn. Điều đó tạo nên sức mạnh cho dân tộc.

+ Thấm nhuần đạo lý này của dân tộc, cha ông ta luôn răn dạy con cháu phải biết “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”… Qua quá trình lịch sử dân tộc, truyền thống này càng được tô thắm hơn bằng những hành động, việc làm tích cực, nhân văn.

(Học sinh lấy dẫn chứng: Những bài học giáo dục về cội nguồn, truyền thống; việc lưu giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc; những hành động việc làm cụ thể…)

+ Nếu một dân tộc không giáo dục ý thức hướng về cội nguồn thì dân tộc đó sẽ không có được những truyền thống tốt đẹp tạo nên sức mạnh đoàn kết, thống nhất dân tộc. Nếu con người sống ích kỉ chỉ biết hiện tại không biết đến cội nguồn, quá khứ thì sẽ bị coi là những kẻ mất gốc, cần phê phán thái độ sống này.

– Bài học

+ Nhận thức: Mỗi học sinh cần phải xác định nhận thức đúng đắn về thái độ sống hướng về cội nguồn, không quên quá khứ để từ đó có ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc.

+ Hành động: Phấn đấu học tập, rèn luyện bản thân để hoàn thiện mình; tham gia các hoạt độngtuyên truyền và có những việc làm phù hợp với lứa tuổi để góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống dân tộc.

c. Kết bài: Khẳng định vấn đề nghị luận, liên hệ bản thân.

Thái độ sống hướng về cội nguồn không chỉ là biểu hiện của lòng biết ơn, của sự thủy chung với quá khứ mà còn là nền tảng tinh thần vững chắc để con người Việt Nam gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống, tạo dựng tương lai bền vững. Là thế hệ trẻ hôm nay, em nhận thấy mình càng cần phải thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và quê hương để không bao giờ quên rằng: mình lớn lên từ đâu và vì ai.

Yêu thích

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *